Hành trình mở đầu bằng việc thưởng thức nghệ thuật múa rối nước của miền Bắc tại rạp Rồng Vàng, Cung Văn hóa Lao động. Qua đó có thể thấy Sài Gòn đã là nơi hội tụ nhiều loại hình nghệ thuật của các vùng miền thu hút quan khách trong và ngoài nước.
Phương tiện di chuyển của đoàn là xích lô, loại phương tiện giao thông phổ biến từ năm 1939 tại Sài Gòn đến nay chỉ còn nghiệp đoàn xích-lô phục vụ khách du lịch trên một số tuyến đường được quy định.
Hình ảnh người phụ nữ mặc áo dài dịu dàng, khép nép trên chiếc xích lô gợi nhớ về một thời của Sài Gòn xưa. Khi qua những đoạn đường dốc, từng giọt mồ hôi của phu xe vội vã chảy thành dòng từ trán đến tận cằm rồi rơi xuống đất. Các bạn trẻ như cảm nhận sâu sắc hơn về đời sống dân sinh ở Sài Gòn đầu thế kỷ XX.
Không còn xích-lô, Sài Gòn chắc sẽ nhạt lắm! Ngồi xích-lô ngắm cảnh, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang chợt nhớ mấy câu thơ của Ngô Nhơn Tịnh: “Ngói liễn đuôi lân, phố phường khánh tòa ngang tòa dọc/ Hiên sè cánh én, nhà quan dân hàng vắn hàng dài/ Gái nha nhuốc tay vòng tay niểng/ Trai xênh xang chơn hớn chơn hài…”
Diễn giả chia sẻ: “Cảnh vật trong bài thơ đã không còn phổ biến. Sài Gòn qua bao lần thay da đổi thịt đã hòa trộn hai nền văn hóa Đông-Tây. Cuộc sống cũng trở nên quá bận rộn, không còn thong dong như xưa nữa”.
Những chiếc xích lô đi qua rất nhiều cung đường của thành phố, đi dọc hết bờ sông Sài Gòn. Những điểm dừng chân phải kể đến Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện trung tâm Thành phố… và cuối cùng là bến cảng.
Đoàn người tham quan bước lên tàu Đông Dương ngắm thành phố về đêm. Đúng như dân gian ca ngợi: “Xứ đâu thị tứ bằng xứ Sài Gòn/ Dưới sông tàu chạy, trên bờ ngựa xe”. Đèn Sài Gòn lung linh bóng nước, con thuyền tách bến khoan thai, những ly rượu khẽ chạm vào nhau hòa cùng tiếng cười câu chúc. Khách trên tàu có Việt Nam, Nhật, Đức, Pháp... Họ đều ôn hòa, thân thiện và thích thú vẻ đẹp của Sài Gòn. Bắt gặp NGƯT Phạm Thúy Hoan, nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân, nghệ sĩ Xuân Lan đằm thắm đến mặn mà trong tà áo dài truyền thống nở nụ cười duyên dáng, một bà cụ người Nhật xuýt xoa “Sư-teki nê, sư-teki nê, very very beautiful!” (Cô đẹp quá, đẹp quá!).
Hành trình kết thúc đầy hứa hẹn. Các bạn trẻ đã hòa mình vào một Sài Gòn hơn 300 năm tuổi. Chia tay nhau, mọi người cùng đứng trên thuyền. Sài Gòn vẫn đẹp và diễm lệ. Trong giấy phút ấy, nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân không kiềm được xúc động: “Sài Gòn đẹp và thanh bình lắm! Chỉ mong tốc độ đô thị hóa không làm mất đi cái hồn riêng của Sài Gòn”.
TS Nguyễn Nhã chia sẻ: “Mong rằng Thành phố sẽ xây dựng bảo tàng Nam Bộ để gìn giữ giữ những giá trị tốt đẹp của Thành phố nói riêng và cả miền Nam nói chung. Tôi tin rằng những người trẻ rất yêu văn hóa, đặc biệt là văn hóa cổ truyền và nhu cầu tìm hiểu về lịch sử văn hóa là có thật. Bảo tàng Nam Bộ sẽ là nơi lưu giữ tình yêu văn hóa đó trong trái tim mỗi người không chỉ người VN mà cả khách nước ngoài”.
Hành trình “Sài Gòn xưa và nay” do diễn văn hóa Hồ Nhựt Quang đề xướng với sự tham gia của TS Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, NGƯT Phạm Thúy Hoan, nhạc sĩ Hải Phượng, nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân, nghệ sĩ Xuân Lan… cùng nhiều bạn trẻ có mong muốn tìm hiểu văn hóa Sài Gòn.
Tác giả bài viết: TÀI ĐỨC