Mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh

Thứ tư - 14/12/2011 21:33

Tư tưởng Hồ Chí Minh cho thấy tư duy sâu rộng của mối quan hệ chặt chẽ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo vệ Tổ quốc trong tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là tư tưởng quân sự, quốc phòng, an ninh, kháng chiến, mà kháng chiến bao giờ cũng đi liền với kiến quốc.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN

Triết lý Hồ Chí Minh về phát triển đất nước theo tinh thần “nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” chính là quy luật của cách mạng Việt Nam. Nội dung của quy luật này gồm học thuyết giải phóng và học thuyết phát triển, trong đó chứa đựng cả xây dựng và bảo vệ.
 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, gồm cả xây dựng kinh tế, chính trị (Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân) văn hóa, xã hội, đặc biệt là xây dựng con người mới. Trong nội dung xây dựng có cả bảo vệ Tổ quốc và là một cách tự bảo vệ có hiệu quả nhất. Bởi vì chỉ có dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh thì đất nước mới đứng vững được trước mọi sự chống phá điên cuồng của kẻ thù.

Bảo vệ Tổ quốc là quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh. Người đúc kết: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Ngay từ những ngày đầu trứng nước của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chủ tịch đã tuyên bô:ë “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập”; “chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Để bảo vệ Tổ quốc XHCN, Người nhấn mạnh “chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi một người Việt Nam yêu nước. Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh cho thấy tư duy sâu rộng của mối quan hệ chặt chẽ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo vệ Tổ quốc trong tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là tư tưởng quân sự, quốc phòng, an ninh, kháng chiến, mà kháng chiến bao giờ cũng đi liền với kiến quốc. Xây dựng Đảng, Nhà nước chính là nhằm bảo vệ Đảng và Nhà nước, bảo vệ Tổ quốc. Bảo vệ Đảng, Nhà nước là phải tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Nhà nước. Trong xây có chống. Phải tập trung chống lại những thói hư tật xấu trong Đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước. Chống cũng nhằm xây, và đó chính là phương thức hữu hiệu nhất để bảo vệ Đảng và chế độ.

Hồ Chí Minh đã sớm cảnh báo về những căn bệnh của Đảng cầm quyền. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, nhũng lạm, lãng phí, thiếu tinh thần trách nhiệm, xa dân… của cán bộ đảng viên sẽ làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, là nguy cơ sống còn của Đảng, của chế độ. Theo Hồ Chí Minh, xây dựng lòng tin của nhân dân với Đảng chính là bảo vệ Đảng và chế độ. Một khi nhân dân đã mất lòng tin vào Đảng và Chính phủ là mất tất cả.

Bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa không có nghĩa chỉ chống kẻ thù xâm lược và các thế lực thù địch. Điều quan trọng nhất là chống giặc nội xâm, khó chiến thắng hơn giặc ngoại xâm. Chính chủ nghĩa cá nhân sẽ tạo ra loại kẻ thù không gươm không súng, vô ảnh vô hình nhưng vô cùng nguy hiểm. Nếu chúng ta không cảnh giác, loại kẻ thù nội xâm này sẽ làm tiêu tan chế độ này, đảng này bất cứ lúc nào bằng cách làm cho đảng viên, cán bộ tự diễn biến. Hồ Chí Minh dạy: “Chủ nghĩa cá nhân là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cho nên thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân” (1). Tư tưởng Hồ Chí Minh cho thấy không ai có thể bôi nhọ được chúng ta ngoại trừ chúng ta tự bôi nhọ không ai có thể làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta ngoại trừ chúng ta tự thay đổi bằng chính tệ quan liêu, tham ô, tham nhũng, xa dân, vô cảm trước đời sống nhân dân, dẫn tới mất lòng tin của nhân dân. Quan điểm này thật sự chứa đựng hàm lượng khoa học và cách mạng trong tư duy Hồ Chí Minh về mối quan hệ hữu cơ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các nội dung đó trong tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng quan điểm của Đảng về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bởi vì chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới không phải chỉ là vấn đề của quốc phòng - an ninh, tăng cường quốc phòng an ninh mà là “phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ giữ vững chủ quyền biển đảo, biên giới, vùng trời; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội”.

Với tư duy mới mẻ đó, một lần nữa cần nhấn mạnh và khẳng định trong bảo vệ có xây dựng, trong xây dựng có bảo vệ xây dựng chính là bảo vệ và bảo vệ nhằm tạo điều kiện cho xây dựng. Muốn bảo vệ Tổ quốc cần phải chống lại các cản lực, mà trở lực lớn nhất trên con đường phát triển của đất nước chính là sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo.

Mối quan hệ giữa xây dựng CHXN và bảo vệ Tổ quốc CNXH trong giai đoạn hiện nay
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng trong khi khẳng định tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ theo con đường xã hội chủ nghĩa , đặc biệt chú trọng xử lý tốt các mối quan hệ, trong đó có mối quan hệ giữa xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Đây là một đòi hỏi tất yếu khách quan.

Lãnh tụ V.I. Lênin chỉ rõ: “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự vệ”(2). Từ khi nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên xuất hiện cho đến nay, nhiệm vụ xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN luôn luôn được nhận thức, quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả.

Thắng lợi của cách mạng Việt Nam là thắng lợi của hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, cả nước đi lên CNXH và bước vào công cuộc đổi mới, Đảng ta càng ý thức sâu sắc sự gắn bó mật thiết giữa xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH năm 1991 chỉ rõ: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Trong khi đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng đất nước, nhân dân ta luôn luôn nâng cao cảnh giác, củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ Tổ quốc và các thành quả cách mạng” (3). Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa IX của Đảng ra Nghị quyết chuyên đề về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, tiếp tục khẳng định quan điểm kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nhấn mạnh trong quá trình thực hiện các phương hướng để đạt được mục tiêu khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta, phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn, trong đó có mối quan hệ giữa “xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”. Trong định hướng lớn về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, Cương lĩnh chỉ rõ: “Sự ổn định và phát triển bền vững mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội là nền tảng vững chắc của quốc phòng an ninh. Phát triển kinh tế-xã hội đi đôi với tăng cường sức mạnh quốc phòng-an ninh. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng-an ninh, quốc phòng-an ninh với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế-xã hội và trên từng địa bàn”(4).

Theo tinh thần Đại hội XI, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là mối quan hệ hữu cơ, biện chứng, tạo thành một thể thống nhất, “tuy hai mà một, tuy một mà hai”. Bản chất của mối quan hệ này là sự gắn bó mật thiết giữa xây dựng và bảo vệ, trong xây dựng có bảo vệ, trong bảo vệ có xây dựng. Đảng ta đặt lên hàng đầu “sự ổn định và phát triển bền vững mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội là nền tảng vững chắc của quốc phòng - an ninh”, nhưng lại xác định “tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và toàn dân” (5). Quan điểm này cần được hiểu, đời sống kinh tế-xã hội là gốc của quốc phòng-an ninh; xây dựng kinh tế-xã hội là một phương thức hữu hiệu để bảo vệ Tổ quốc. Gốc này có vững chắc thì quốc phòng-an ninh mới vững. Biểu hiện của vững chắc là ổn định và phát triển. Mà muốn ổn định và phát triển, trong ổn định và phát triển cần có bảo vệ. Mặt hoạt động này là điều kiện của hoạt động kia và ngược lại. Bởi vì xây dựng và bảo vệ trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, cái tiến bộ và cái lạc hậu. Bảo vệ không chỉ là phòng ngừa hay chống lại, đánh trả. Chúng ta xây dựng lực lượng vũ trang chính quy, hiện đại, tinh nhuệ là để phòng ngừa, không phải răn đe; để sẵn sàng chiến đấu bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc nếu các thế lực thù địch có dã tâm muốn thôn tính nước ta.

Điều quan trọng là phải chăm lo xây dựng mọi mặt của đất nước ngày càng mạnh, ngăn chặn, đẩy lùi, khắc phục các nguy cơ về chính trị, kinh tế, đặc biệt là các vấn đề xã hội bức xúc, tạo môi trường hòa bình và ổn định. Nhiệm vụ hàng đầu có ý nghĩa sống còn là xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Bởi vì Đảng ta là một đảng cầm quyền. Sự vững mạnh hay yếu kém của Đảng liên quan đến vận mệnh của đất nước. Cách đây mười hai năm, trong bài viết Nêu cao danh hiệu Đảng Cộng sản Việt Nam, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam”, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ rõ: “Bọn thù địch chống phá ta bằng “diễn biến hòa bình”, chúng biết nhân dân ta là kiên cường không thể coi thường, chúng biết Đảng ta với chỗ mạnh và chỗ yếu có thể khai thác. Chúng chờ cơ hội. Điều đáng sợ là “diễn biến hòa bình” từ nội bộ Đảng ta” (6). Tại Đại hội XI Đảng ta nhấn mạnh: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với sự phân hóa giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý, điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước”(7). Chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực khác chính là nhằm bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Xây cái tốt, đẩy lùi cái xấu theo tinh thần “phò chính trừ tà” là điều kiện vững chắc cho bảo vệ. Như vậy bảo vệ là một bộ phận hợp thành của xây dựng. Càng xây dựng tốt bao nhiêu, càng có điều kiện bảo vệ tốt bấy nhiêu. Xây dựng chính là tự bảo vệ ngược lại bảo vệ tốt lại tạo điều kiện để xây dựng tốt. Một nấc thang của xây dựng gắn chặt với một nấc thang của bảo vệ một nấc thang của bảo vệ lại tạo ra một thành quả của xây dựng, vì bảo vệ trong tiến trình xây dựng.

Mối quan hệ chặt chẽ giữa xây dựng và bảo vệ còn được thể hiện ở lực lượng xây dựng cũng là lực lượng bảo vệ và lực lượng bảo vệ cũng là lực lượng xây dựng, tức là toàn dân, toàn quân, cả hệ thống chính trị. Xây dựng không chỉ là việc riêng của kinh tế-xã hội, của dân sự mà cũng là câu chuyện của quốc phòng-an ninh. Củng cố quốc phòng-an ninh không phải chỉ là việc riêng của quốc phòng, của bảo vệ mà còn nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội, theo yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội.

Sự kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mới của tình hình khu vực và thế giới, trước yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng nước ta trong giai đoạn mới được Đảng ta xác định trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế-xã hội và trên từng địa bàn. Đây là tư duy hết sức khoa học, thể hiện tính nhất quán chặt chẽ vừa xuyên suốt, vừa cụ thể trên cả hai mặt thời gian và không gian. Quan điểm này khắc phục những nhận thức hời hợt, chỉ thấy chiến lược mà không thấy cụ thể từng kế hoạch, từng quy hoạch, từng chính sách; chỉ thấy vĩ mô mà không quan tâm tới vi mô; chỉ thấy tầm quan trọng ở Trung ương mà không thấy vai trò trọng yếu của địa phương; chỉ thấy kinh tế mà không thấy quốc phòng-an ninh; chỉ thấy địa bàn này là ưu tiên kinh tế, địa bàn khác ưu tiên quốc phòng mà không thấy địa bàn nào cũng có cả kinh tế-xã hội-quốc phòng-an ninh,v.v..

Phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc một cách khoa học và cách mạng rằng, sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh chỉ có thể thắng lợi khi mà quốc phòng-an ninh được giữ vững, môi trường hòa bình được bảo đảm, tình hình chính trị ổn định. Từng giờ, từng phút, các thế lực thù địch tìm mọi cách chống phá chúng ta, không muốn cho chúng ta được sống trong hòa bình. Vì vậy phải quan tâm đúng mức, luôn luôn nêu cao cảnh giác đập tan mọi âm mưu và hành động chống phá của kẻ thù. Chỉ có như vậy thì mới có điều kiện để xây dựng đất nước. Bên cạnh đó, phải thấy rằng, chỉ khi kinh tế phát triển nhanh, bền vững, các lĩnh vực xã hội được bảo đảm thì nền độc lập của chúng ta mới được giữ vững. Những quan điểm chỉ muốn làm giàu về kinh tế bằng mọi giá, không quan tâm đến quốc phòng an ninh, bảo vệ Tổ quốc, cần phải được lên án mạnh mẽ.

Trong những năm tới, “nước ta vẫn đứng trước nhiều thách thức lớn, đan xen nhau, tác động tổng hợp và diễn biến phức tạp, không thể coi thường bất cứ thách thức nào. Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới vẫn tồn tại. Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí là nghiêm trọng. Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Trong nội bộ, những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có những diễn biến phức tạp” (8). Vì vậy, muốn bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa thì phải tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới theo con đường xã hội chủ nghĩa theo tư tưởng Hồ Chí Minh./.

PGS, TS. BÙI ĐÌNH PHONG
__________________________
(1) - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.1996, t.9, tr.291.
(2) - V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2005, t.37, tr.145.
(3) - ĐCSVN: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự thật, H.1991, tr.10.
(4) - ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb.CTQG, H.2011, tr.82.
(5) - ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, tr.82.
(6) - Tạp chí Cộng sản, số 10, tháng 5-1999 và Báo Nhân dân, ngày 15-5-1999.
(7) - ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, tr.173.
(8) - Sđd, tr. 185.

Theo Tạp chí tuyên giáo

 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 4 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Đăng nhập thành viên
 
 

Đăng nhập bằng OpenID Đăng nhập bằng OpenID

Thăm dò ý kiến

Đâu là yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi Đoàn?

Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 5
 
  •   Hôm nay 139
  •   Tháng hiện tại 73,111
  •   Tổng lượt truy cập 15,468,351