Đình Phú Xuân được thành lập vào năm Canh Tý (1900), tính đến nay, Đình Phú Xuân đã có trên 100 năm, tọa lạc trên một khuôn viên rộng khoảng 770m2, gần bên Rạch Đôi. Trước Đình có cổng Tam quan bằng bê tông cốt thép, trên đắp nổi ba chữ “Đình Phú Xuân” bằng gốm.Ngay giữa khuôn viên, sát ranh phía trước Đình là bình phong thần Hổ, áp sau bình phong thần Hổ là bệ thần Nông được ốp gạch men màu đỏ, trên lợp mái che tôn. Bên phải bàn thờ bình phong Thần Hổ là miếu thờ Thổ Thần. Nhân vật được thờ cúng chính là Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh luôn được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong đình. Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh được xem là vị thần đem đến sức mạnh tinh thần cố kết cộng đồng: làng, xã. 
Về mặt kiến trúc, Đình Phú Xuân được cấu trúc theo trục dọc, gồm hai khối nhà tiền điện và chính điện nối với nhau.
Trải qua hơn trăm năm, Đình Phú Xuân không chỉ là một cơ sở tín ngưỡng dân gian, mà còn là nơi lưu giữ những giá trị kiến trúc tiêu biểu của Đình Nam Bộ. Khuôn viên đình có nhiều cây xanh lâu năm. Hằng năm, vào dịp lễ Kỳ Yên tức là lễ "Cầu an" (16/02 âm lịch), cư dân địa phương cùng bá tánh thập phương lại đổ về thắp hương, dâng lễ vật lên Thần, tưởng nhớ các bậc tiền hiền đã có công khai phá lập thôn làng, thể hiện đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam, Lễ cầu bông (16/10 âm lịch) nhằm mục đích cầu "Phong điều vũ thuận", mùa màng bội thu, "Quốc thái dân an", làng xóm yên vui, dân giàu nước mạnh, ngoài ra còn các tiểu lễ như: Cúng rằm (15 tháng giêng và 16/7), Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng năm), Lễ đưa Thần (25,30 tháng Chạp).
Đình còn lưu giữ được nhiều các hoành phi, liễn đối, khám thờ gắn với lịch sử xây dựng Đình, được sơn son thếp vàng, chạm chìm, chạm nổi các đề tài bác bửu, dây lá, vân mây, thể hiện tài hoa trong nghệ thuật chạm khắc của người Việt.
Với lịch sử xây dựng lâu đời và những giá trị vật thể, phi vật thể hiện hữu, Đình Phú Xuân xứng đáng được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố. Cho nên, chúng ta cần giữ gìn, tôn tạo, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của người dân cả nước nói chung và Huyện Nhà Bè nói riêng.
Theo Phòng Văn Hóa và Thông Tin Huyện