NGOẠI GIAO VIỆT NAM NĂM 2016: ĐIỂM SÁNG VÀ DẤU ẤN

Thứ năm - 16/02/2017 15:01
Huy hieu Doan (1) Huy hieu Doan (1)

Năm 2016 khép lại với nhiều hoạt động ngoại giao sôi nổi của Việt Nam. Đây cũng là năm ghi nhận nhiều dấu mốc quan trọng về vai trò của Việt Nam trong khu vực cũng như toàn thế giới.

1. Cuối tháng 8/2016, trao đổi với báo chí trước thềm Hội nghị ngoại giao, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu: Đại hội Đảng lần thứ XII đã đánh giá chính xác về kết quả công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta. Kết quả đó là, đóng góp được vào việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực thông qua hoạt động đối ngoại, tăng cường quan hệ với các nước, nhất là các nước có vai trò quan trọng trên thế giới; thông qua các hoạt động đối ngoại đã tăng cường được sự tin cậy về chính trị đối với các nước trên thế giới và trong khu vực. Đó là môi trường hết sức quan trọng để duy trì được hòa bình của đất nước. 

Nhận định ấy hoàn toàn có cơ sở khi chúng ta đã hội nhập ngày càng tích cực với quốc tế. Từ chủ trương ban đầu là hội nhập lĩnh vực kinh tế; giờ đây, chúng ta đã hội nhập trên tất cả các lĩnh vực, thể hiện qua việc ký kết rất nhiều Hiệp định thương mại tự do, tham gia vào những lĩnh vực trước nay chưa từng tham gia như hợp tác quốc phòng-an ninh, lần đầu tiên tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình. Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trong cơ chế của Liên hợp quốc, là thành viên của Hội đồng nhân quyền, Hội đồng kinh tế và xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC), đóng vai trò tích cực trong ASEAN. Vào những ngày cuối năm, Việt Nam được bầu vào Ủy ban Luật pháp quốc tế và Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đầu tháng 12/2016, ngay trước khi kết thúc năm hoạt động sôi nổi, chúng ta đã tổ chức thành công Hội nghị không chính thức các quan chức cao cấp APEC (ISOM) - một bước khởi động cho Năm APEC 2017 mà Việt Nam là nước chủ nhà… Đó là những thành tựu hết sức nổi bật trong lĩnh vực đối ngoại trên bình diện đa phương.

2. Về quan hệ song phương, 2016 là năm có nhiều chuyến thăm lẫn nhau của các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam tới các nước anh em bạn bè và các đối tác truyền thống, các đối tác chiến lược. Ngay sau khi kết thúc Đại hội, lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã thực hiện nhiều chuyến thăm tới các nước bạn bè anh em truyền thống. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm  hữu nghị chính thức CHDCND Lào; Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm cấp Nhà nước tới CHDCND Lào và Vương quốc Campuchia, thăm chính thức Cuba, thăm cấp Nhà nước tới Italia và nhiều quốc gia khác. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức tới Liên bang Nga, Mông Cổ, thăm Nhật Bản và dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại nước này. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Ấn Độ và UAE (dự Hội nghị Thượng đỉnh các nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 11).

Năm 2016 cũng có thể được coi là năm rộng mở những mối quan hệ khi nhiều nguyên thủ quốc gia của các nước, trong đó đặc biệt là các nước lớn đã tới thăm Việt Nam: Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Barack Obama, Tổng Thống Pháp Francois Hollande, Tổng thống Iran Hassan Rouhani... Với các nước láng giềng thân thiết, trong năm 2016 chúng ta đã đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Bounnhang Volachith, Chủ tịch Nhân đại Trung Quốc Trương Đức Giang và trong 2 ngày 20 - 21/12, Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã thăm Việt Nam.

Những chuyến thăm lẫn nhau đã là minh chứng rõ nét thể hiện chủ trương của Việt Nam luôn mong muốn thúc đẩy quan hệ với các nước, hết sức quan tâm chú trọng quan hệ với các nước láng giềng. Chính sách của chúng ta là làm sao tạo một khuôn khổ quan hệ với các nước láng giềng. “Với Trung Quốc chúng ta thiết lập đối tác chiến lược toàn diện. Với Lào là quan hệ đặc biệt. Với Campuchia là quan hệ đối tác chiến lược. Đó là những khuôn khổ đảm bảo cho chúng ta có quan hệ vững chắc với các nước láng giềng và nhìn xa nữa là làm sao đảm bảo các đường biên giới. Đó là vấn đề an ninh của đất nước” - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định.

3. Nói đến hòa bình, ổn định; nói đến vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới không thể không nhắc đến vai trò của Việt Nam trong ASEAN. Cộng đồng 600 triệu dân này chính thức hình thành đầu năm 2016.  Nhưng để một cộng đồng đa dân tộc, đa bản sắc, đa văn hóa cùng nhau hòa quyện như một thể thống nhất thì cần một sự nỗ lực của từng quốc gia. Trong quá trình ấy, Việt Nam là một trong những nước đạt mức cao về chỉ tiêu của cộng đồng 93%. Trong khi đó mức trung bình của ASEAN là 90%.

ASEAN chỉ có vai trò khi là một khối với tư cách là sự đoàn kết trong khối đó. Khái niệm lớn nhất của khối được nêu là vai trò trung tâm của ASEAN. Muốn có vai trò trung tâm phải có sự đoàn kết. ASEAN nói về đoàn kết và vai trò trung tâm tức là các quyết định phải trên cơ sở đồng thuận; các nước cùng nhau tạo lợi ích tối thiểu nhưng phải đảm bảo lợi ích và tôn trọng nhau. 

Trong tiến trình phát triển của ASEAN nhiều năm qua, Việt Nam dù không thuộc nhóm nước tham gia đầu tiên vào ASEAN nhưng lại luôn là nước tích cực, chủ động đóng góp tích cực trên nhiều lĩnh vực, đóng vai trò kết nối, xây dựng đoàn kết trong ASEAN. Năm 2016, dù không giữ vai trò Chủ tịch nhưng những gì mà chúng ta đóng góp trong Cấp cao ASEAN đã thể hiện rõ nét vai trò tích cực, chủ động, trách nhiệm ấy.

4. Nói tới thành công của đối ngoại Việt Nam năm 2016, một điểm sáng khác là bảo vệ an ninh biên giới; giữ vững toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia.

Hiện, chúng ta đã xây dựng được gần như hoàn chỉnh toàn bộ đường biên giới trên đất liền với Trung Quốc, Lào với Campuchia. Đó là ưu tiên cao nhất trong xây dựng đường biên giới.

Về vấn đề Biển Đông - một trong những vấn đề tác động đến môi trường an ninh của Việt Nam. Chúng ta khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Đại hội Đảng lần thứ XII đã xác định rõ, kiên trì, kiên quyết bảo vệ chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình, giải quyết các tranh chấp trên cơ sở thương lượng, đàm phán.

Năm 2016 đã qua với nhiều biến động trên biển Đông. Trong bối cảnh ấy, đối ngoại Việt Nam đã thực thi tốt chủ trương “bảo vệ chủ quyền một cách hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và yêu cầu các nước cũng phải tôn trọng luật pháp quốc tế”.

Với nỗ lực của Việt Nam và một số nước trong ASEAN, các quốc gia trong khu vực đã nhất trí đánh giá, xem xét và giải quyết các mâu thuẫn trên cơ sở Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông (DOC) tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

TIẾP TỤC THÚC ĐẨY QUAN HỆ VIỆT – TRUNG PHÁT TRIỂN LÀNH MẠNH, TÍCH CỰC VÀ VỮNG CHẮC

Từ ngày 12-15/1/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao nước ta đã thăm chính thức CHND Trung Hoa theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Hoa Tập Cận Bình. 

Kết quả chuyến thăm

Chuyến thăm lần này là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, hai nước kể từ sau Đại hội XII của Đảng ta và sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức xác lập vị trí hạt nhân lãnh đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và đang chuẩn bị cho Đại hội XIX, do đó, chuyến thăm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc định hướng lâu dài cho quan hệ hai Đảng, hai nước. Đặc biệt, chuyến thăm lần này diễn ra đúng vào thời điểm ngay trước thềm kỷ niệm 67 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và Tết cổ truyền của hai dân tộc; do đó, chuyến thăm còn có ý nghĩa sâu sắc, góp phần thắt chặt tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước.

Với chương trình làm việc rất phong phú, thiết thực, chuyến thăm đã thành công tốt đẹp và đạt được nhiều kết quả rất quan trọng.

Một là, lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, hai nước đã đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng về quan hệ hai Đảng, hai nước, về hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay; nhất trí về các định hướng lớn nhằm tăng cường tin cậy chính trị, củng cố hữu nghị, thúc đẩy hợp tác; duy trì cục diện hòa bình, hữu nghị và đà phát triển lành mạnh, ổn định giữa hai nước. Hai bên đã nhất trí ra Thông cáo chung 10 điểm, thể hiện các nhận thức chung đã đạt được cũng như các phương hướng, biện pháp cơ bản nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc trong thời gian tới. Trong đó, nhấn mạnh việc tăng cường tiếp xúc cấp cao, hợp tác, giao lưu giữa hai Đảng, thúc đẩy kết nối chiến lược, kết nối năng lực sản xuất, thúc đẩy thương mại, đầu tư, mở rộng, thúc đẩy hợp tác quốc phòng, an ninh, tăng cường giao lưu nhân dân, củng cố nền tảng xã hội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã vui vẻ nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm lại Việt Nam và dự Hội nghị Cấp cao APEC vào cuối năm 2017.

Hai là, hai bên nhất trí thúc đẩy mạnh mẽ, tạo chuyển biến tích cực, nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế và trên các lĩnh vực khác nhằm hỗ trợ lẫn nhau phát triển nhanh và bền vững, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển quan hệ hai nước. Trong chuyến thăm, các cơ quan của hai Đảng, hai nước đã ký kết được 15 văn kiện quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực rất phong phú, đa dạng. Nhiều doanh nghiệp của hai nước cũng đã ký kết được các hợp đồng kinh tế quan trọng.

Ba là, hai bên đã trao đổi một cách thẳng thắn, chân thành và cởi mở về các vấn đề còn tồn tại trong quan hệ song phương, đặc biệt là trên vấn đề Biển Đông; nhất trí kiên trì xử lý thỏa đáng bất đồng, tuân thủ “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”, thực hiện toàn diện và hiệu quả “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), trên cơ sở hiệp thương thống nhất, sớm xây dựng “Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC); kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Bốn là, hai bên nhất trí mở rộng và đẩy mạnh giao lưu nhân dân, nhất là giữa thế hệ trẻ, giữa các địa phương và báo chí hai nước nhằm tăng cường hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước làm nền tảng xã hội cho quan hệ Việt - Trung không ngừng phát triển lành mạnh, ổn định.

Những dấu ấn nổi bật

Một là, lãnh đạo Trung Quốc đã dành cho Tổng Bí thư và Đoàn những nghi thức đón tiếp ở mức cao nhất, với rất nhiều biệt lệ, thể hiện đặc biệt coi trọng quan hệ giữa hai Đảng, hai nước như bắn 21 loạt đại bác chào mừng, lần đầu tiên bố trí hội đàm, hội kiến với 5/7 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc; cuộc hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra 80 phút, nhiều hơn 30 phút so với dự kiến với nội dung rất toàn diện, thiết thực; ngoài lễ đón chính thức, hội đàm, tiệc chiêu đãi theo thông lệ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng dự tiệc trà rất thân mật.

Hai là, tất cả các cuộc hội đàm, hội kiến, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước diễn ra rất thân tình, cởi mở, thẳng thắn và xây dựng; nội dung rất phong phú, toàn diện ở tầm chiến lược cao và tầm nhìn sâu sắc; đạt được nhận thức chung, sự nhất trí cao trên rất nhiều vấn đề quan trọng của quan hệ hai Đảng, hai nước. Hai bên thể hiện rõ thiện chí, mong muốn và quyết tâm đưa quan hệ song phương tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định, ngày càng tốt đẹp trong thời gian tới.

Ba là, chương trình của chuyến thăm lần này được xây dựng sinh động và hiệu quả. Ngoài chương trình chính thức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những hoạt động có ý nghĩa như dự Gặp gỡ hữu nghị nhân kỷ niệm 67 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và đón Xuân 2017 với các đại diện nhân sĩ, trí thức, cán bộ, cố vấn, chuyên gia Trung Quốc và thân nhân những gia đình Trung Quốc có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Việt Nam và cho tình hữu nghị Việt - Trung; thăm Hàng Châu, Chiết Giang là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã nhiều lần đến thăm và là địa phương tiêu biểu của Trung Quốc trong thời kỳ cải cách, mở cửa; dự Gặp gỡ với các doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc đang hợp tác, đầu tư với Việt Nam... Những hoạt động đó đã chuyển tải các thông điệp quan trọng và để lại những ấn tượng rất sâu sắc, tích cực trong lãnh đạo và nhân dân Trung Quốc.

Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng để tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển lành mạnh, tích cực và vững chắc hơn nữa trong thời gian tới. Việc triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc nhận thức chung và các thỏa thuận đã đạt được sẽ góp phần tăng cường tin cậy, củng cố hữu nghị, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực đem lại nhiều lợi ích thiết thực hơn nữa cho nhân dân hai nước, đồng thời góp phần thiết thực duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông trong thời gian tới.

THỦ TƯỚNG NHẬT BẢN CÔNG DU 4 NƯỚC CHÂU Á – THÁI BÌNH DƯƠNG:

 THÚC ĐẨY QUAN HỆ ĐA PHƯƠNG, MỞ RỘNG HỢP TÁC

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có chuyến công du tới 4 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương gồm Philippines, Australia, Indonesia và Việt Nam từ ngày 12 – 17/1, nhằm thúc đẩy quan hệ đa phương và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực an ninh, thương mại và kinh tế. Diễn ra trong bối cảnh khó đoán định về cam kết của Mỹ tại khu vực này dưới thời chính quyền mới, chuyến công du của ông Abe là dịp để Nhật Bản giành vai trò chủ đạo trong hợp tác khu vực.

Ngoại giao chủ động

Điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du của ông Abe là Philippines. Tại cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Abe với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 12/1, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, chống khủng bố và các dự án phát triển khác. Từ ngày 13 – 14/1, Thủ tướng Nhật sang Australia và hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Malcolm Turnbull về việc tăng cường hợp tác thương mại song phương, an ninh khu vực và phát triển kinh tế toàn cầu. Ngày 15/1, thủ tướng Nhật Bản gặp Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại Jakarta, để thảo luận hợp tác kinh tế, tăng cường trao đổi thương mại, các bước thúc đẩy hợp tác an ninh hàng hải. Từ ngày 16 – 17/1, nhà lãnh đạo Nhật Bản tới Việt Nam, điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du đầu năm tới các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

* Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thể hiện sự coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng của hai nước. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, có sự tin cậy cao. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; chủ trì họp báo; chào xã giao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, hội kiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản chủ trì Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam-Nhật Bản; gặp Trưởng Ban tổ chức Trung ương, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt-Nhật Phạm Minh Chính; gặp gỡ Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội và một số cán bộ, sinh viên Trường Đại học Việt-Nhật. 

 Trong bầu không khí hữu nghị, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, hai bên đã đạt nhất trí cao về những phương hướng lớn và các biện pháp cụ thể nhằm đưa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản phát triển toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới. 

 Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường sự tin cậy về chính trị thông qua việc duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, tăng cường hiệu quả các cơ chế đối thoại; khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ để chuyến thăm Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản vào mùa xuân năm 2017 thành công tốt đẹp. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác thực chất về an ninh - quốc phòng, trong đó có lĩnh vực rà phá bom mìn và nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển. 

 Về hợp tác kinh tế, hai bên đạt nhận thức chung về việc thúc đẩy triển khai kết nối hai nền kinh tế thông qua thúc đẩy đầu tư, thương mại, ODA và hợp tác trong các lĩnh vực có thể bổ trợ cho nhau như hợp tác địa phương, nông nghiệp, lao động. Hai bên nhất trí triển khai Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt - Nhật đến năm 2020 tầm nhìn 2030 cũng như sáng kiến chung Nhật-Việt giai đoạn 6 nhằm cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam; tiếp tục triển khai các dự án lớn về cơ sở hạ tầng hai nước như đường bộ cao tốc Bắc-Nam. Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác Việt - Nhật trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hợp tác địa phương và tăng số lượng và lĩnh vực tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản.

Thủ tướng Shinzo Abe đã tuyên bố Nhật Bản cấp phép nhập khẩu thanh long ruột đỏ của Việt Nam và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thông báo Việt Nam cấp phép nhập khẩu quả lê của Nhật Bản. 

 Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội thông qua nguồn vốn ODA cũng như thúc đẩy hợp tác các dự án cơ sở hạ tầng chất lượng cao, cam kết cung cấp thêm khoản ODA vốn vay trong năm tài khóa 2016 cho Việt Nam trị giá khoảng 123 tỷ yên (tương đương 1,05 tỷ USD) trong các lĩnh vực an ninh hàng hải, ứng phó với biến đổi khí hậu, thoát nước và xử lý nước thải. Nhật Bản sẵn sàng thúc đẩy các hoạt động ứng dụng công nghệ cao, đầu tư trong các hình thức huy động vốn của các doanh nghiệp Nhà nước, đào tạo cán bộ, tạo điều kiện để người Việt Nam du lịch Nhật Bản, thúc đẩy giao lưu văn hóa. 

 Hai bên đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm và khẳng định phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế và khu vực. Hai bên nhất trí về tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, các bên liên quan không có những hành động gây căng thẳng và quân sự hóa dẫn đến thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông, thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). 

 Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe đã chứng kiến lễ trao đổi văn kiện ký kết giữa các bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước gồm: Công hàm trao đổi ODA vốn vay cho Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu chu kỳ 7 (trị giá 10 tỷ yên); Công hàm trao đổi cho Dự án viện trợ không hoàn lại cho Chương trình phát triển kinh tế-xã hội cung cấp trang thiết bị tăng cường năng lực bảo đảm an ninh đường thủy (trị giá 300 triệu yên); Hiệp định vay ODA cho Dự án Quản lý kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh (trị giá 11 tỷ yên); Hiệp định vay ODA cho Dự án Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu chu kỳ 7 (trị giá 10 tỷ yên); Thỏa thuận đối tác chiến lược giữa Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và công ty dệt may Itochu, thuộc tập đoàn Itochu Nhật Bản; Thỏa thuận đầu tư dự án nhiệt điện Vũng Áng 2. 

 Nhìn vào chương trình nghị sự, có thể thấy chuyến công du của ông Abe tập trung vào mục tiêu thúc đẩy hợp tác an ninh, thương mại và kinh tế giữa Nhật Bản với 4 nước châu Á - Thái Bình Dương. Chuyến công du thể hiện chính sách ngoại giao chủ động của Nhật Bản trong năm 2017.

Thúc đẩy quyền lực mềm

Chuyến thăm diễn ra đúng vào thời điểm tình hình khu vực khó đoán định, trước viễn cảnh Mỹ có thể sẽ chấm dứt chính sách xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương của Tổng thống mãn nhiệm Obama và giảm dần vai trò tại đây, sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào ngày 20/1/2017.

Philippines và Australia là hai đồng minh quan trọng của Mỹ, trong khi Indonesia và Việt Nam là hai thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Hơn nữa, cùng Nhật Bản, cả Australia và Việt Nam đều tham gia ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ khởi xướng. Trong khi đó, hiện các đối tác thương mại của Mỹ trong khu vực đang đợi chờ xem ông Trump có rút khỏi TPP như đã cam kết trong quá trình vận động tranh cử hay không. Thời gian qua, Nhật Bản cùng một số nước ký kết TPP, trong đó có Australia, Malaysia và Singapore, đã tích cực tìm cách thực thi TPP mà không cần tới Mỹ.

Ngoài ra, chuyến công du còn là dịp để ông Abe thúc đẩy quyền lực mềm của Nhật Bản, nhằm cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc tại khu vực.

KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2016:

VƯỢT QUA THÁCH THỨC, TẠO ĐÀ TĂNG TRƯỞNG

Năm 2016 được đánh giá là một năm đầy thách thức với nền kinh tế Việt Nam bởi những vấn đề nội tại vẫn ngổn ngang, trong khi tình hình quốc tế đang diễn biến ngày một bất thường... Mặc dù vậy, nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục được duy trì và củng cố đang tạo đà cho tăng trưởng kinh tế năm 2017.

Những gam màu sáng

Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng GDP trong năm 2016 đạt 6,21%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát (4,75%). Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với điều kiện khó khăn, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức trên 6% là một nỗ lực đáng ghi nhận. Điều quan trọng hơn là kinh tế Việt Nam phát triển ổn định, các mục tiêu kinh tế vĩ mô cơ bản đã đạt được (tốc độ tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, xuất khấu ròng tạo nền tảng củng cố giá trị đồng tiền, dự trữ ngoại hối, ổn định vĩ mô).

Cụ thể, trong năm 2016, thu ngân sách của Việt Nam tăng, mặt bằng lãi suất giảm, thị trường ngoại tệ, vàng cơ bản ổn định. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã đạt khoảng 41 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Về thương mại, trong năm 2016, Việt Nam vẫn giữ được đà xuất siêu khi xuất khẩu tăng khoảng 8%, xuất siêu đạt khoảng 2,68 tỷ USD. Trong khi đó, huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 32,5% GDP (vốn FDI thực hiện đạt 15,8 tỷ USD). Sự ổn định của nền kinh tế được ghi nhận tích cực qua chỉ số lạm phát. Lạm phát trong năm 2016 được ổn định mức 4,75% đây là một thành công đáng ghi nhận. Theo các chuyên gia, nhìn lại công tác điều hành giá trong năm 2016, trong bối cảnh khó khăn, yếu tố gia tăng áp lực lên lạm phát rất lớn, nhất là khi một số dịch vụ công, như: dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục - đào tạo được điều chỉnh, cộng với việc tăng giá xăng dầu những tháng cuối năm, tình hình hạn hán xâm nhập mặn, việc hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 5% cho năm 2016 là thành công của Chính phủ. Đáng chú ý, việc kiểm soát lạm phát ở mức dưới 5% không chỉ bảo đảm mục tiêu Quốc hội đặt ra, mà Chính phủ còn thực hiện thêm được một bước là chuyển các loại phí dịch vụ công theo tín hiệu của thị trường.

Một trong những chỉ số quan trọng phản ánh sự tích cực của kinh tế năm 2016 cũng như sự tích cực của thị trường đó là số doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục đạt kỷ lục. Theo số liệu thống kê từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số doanh nghiệp đăng ký thành lập cả năm 2016 đạt kỷ lục cao chưa từng có với 110.100 doanh nghiệp, tăng 16,2% so với năm 2015. Số vốn các doanh nghiệp cam kết đưa vào thị trường hơn 891.000 tỷ đồng, đạt tỷ trọng 8,09 tỷ đồng cho mỗi doanh nghiệp thành lập mới; tăng 48,1% so với năm 2015.

Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, số liệu về doanh nghiệp đăng ký thành lập mới nói trên cho thấy “sức sống” của môi trường kinh doanh và những cơ hội đầu tư kinh doanh tiếp tục mở ra, thị trường chắc chắn sẽ cạnh tranh hơn và đây chính là động lực phát triển kinh tế trong thời kỳ hội nhập”.

 
 

Nỗ lực đạt mục tiêu năm 2017

Mặc dù đạt những kết quả đáng khích lệ trong năm 2016, tuy nhiên kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và đang tạo áp lực cho mục tiêu tăng trưởng năm 2017. Cụ thể, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam còn chậm, các vấn đề đặt ra hiện nay như xử lý nợ xấu, tình trạng nợ công đã đạt trần,... Đây là những vấn đề gây áp lực trực tiếp đến tăng trưởng vì ảnh hưởng đến việc tăng đầu tư công để kích thích kinh tế như những năm trước đây. Trong khi đó, các công cụ tài khóa về chính sách đã hạn chế một phần nào đó, công cụ chính sách tiền tệ cũng có những hạn chế.

Trước thực trạng kinh tế năm 2016 và nhận định về những cơ hội và thách thức trong thời gian tới, năm 2017, Chính phủ cũng đặt mục tiêu cụ thể cho kinh tế năm 2017. Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV cũng đã thông qua với những chỉ tiêu cụ thể như: tăng trưởng GDP khoảng 6,7%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6 - 7%... Nhằm thực hiện mục tiêu trên, ngày 17-12-2016, Chính phủ đã ra quyết định giao chỉ tiêu cho các bộ, ngành phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu định hướng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 theo Nghị quyết của Quốc hội và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 của Chính phủ.

Để phấn đấu cho mục tiêu tăng trưởng trên, Chính phủ quyết tâm thực hiện các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh...

Theo các chuyên gia kinh tế, với sự cải thiện của nhiều nền kinh tế trên thế giới như Hoa Kỳ, các nước có nhập khẩu dầu, cùng với diễn biến mới nhất về tình hình đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp ngoại là một tín hiệu tốt cho triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2017. Bên cạnh đó, tiến trình tái cơ cấu kinh tế và cải cách thể chế thông thoáng hơn giúp cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia và tăng khả năng thu hút đầu tư..., tạo thêm sự kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều khởi sắc và mục tiêu mà Chính phủ đưa ra là hoàn toàn có thể đạt được.

Ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Thương mại và Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, nếu diễn biến nền kinh tế trong nước và quốc tế thuận lợi, nền kinh tế Việt Nam có thể đạt tăng trưởng GDP ở mức 7%, còn nếu không có gì đặc biệt, Việt Nam có thể đạt GDP 6,5%. Trong khi đó, Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự đoán tăng trưởng của Việt Nam đạt 6,3%; Tổ chức tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng Việt Nam chỉ có thể đạt 6,2%.

Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa dự báo với mức tăng trưởng đạt 6,44%. Các chuyên gia của NCIF cho rằng, trong giai đoạn tới, kinh tế Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, những tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ và có thể gây ra những tác động to lớn làm giảm tăng trưởng trong trung và dài hạn.

NCIF đã kiến nghị một số giải pháp cần tăng cường thực hiện như: tiếp tục củng cố và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao chất lượng công tác dự báo; nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư công; hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp...

TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

 THÁNG 12 VÀ NĂM 2016

Năm 2016, năm khởi đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của năm 2016 là cơ sở và động lực cho việc thực hiện các Chiến lược phát triển kinh tế của Thành phố, kích thích tinh thần khởi nghiệp lan tỏa trong xã hội. Kinh tế - xã hội Thành phố năm qua diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại. Giá cả hàng hoá thế giới vẫn ở mức thấp, thị trường tài chính, tiền tệ thế giới có nhiều biến động. Trong nước ngoài những thành tựu đạt được như kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, song vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp, bảo lũ và sự cố ô nhiễm môi trường ở bốn tỉnh miền Trung. Tất cả đã ảnh hưởng đến kinh tế cả nước nói chung và Thành phố nói riêng. Trước tình hình đó, ngay từ đầu năm Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016; Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; triển khai các chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ Thành phố; thực hiện Đề án xây dựng Thành phố thông minh, có chất lượng sống tốt; tiếp tục thực hiện các chương trình xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, giảm dần chênh lệch về đời sống giữa nông thôn và thành thị. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập và hợp tác quốc tế. Dưới đây là một số kết quả hoạt động của các ngành, lĩnh vực năm 2016:

I. TÌNH HÌNH KINH TẾ

1. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)

Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP cả năm ước đạt 1.023.926 tỷ đồng (theo giá thực tế). Tính theo giá so sánh 2010 đạt 790.357 tỷ đồng, tăng 8,05% so năm trước, cao hơn mức tăng 7,72% của năm 2015.

Mức tăng trưởng năm nay cao hơn mục tiêu 8% đề ra và là mức tăng cao nhất của các năm từ 2012-2015, cho thấy nền kinh tế phục hồi rõ nét.

2. Công nghiệp

Tình hình sản xuất công nghiệp tháng 12 và ước tính cả năm 2016 trên địa bàn thành phố vẫn duy trì tăng trưởng cao hơn tháng trước và so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 12 ước tính tăng 3,86% so tháng trước. So với tháng 12/2015, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 9,56%.

Tính chung cả năm 2016, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 7,33% so với năm 2015 (Năm 2015 chỉ số IIP tăng 7,85%, năm 2014 chỉ số IIP tăng 6,86%).

3. Xây dựng

Hoạt động xây dựng trên địa bàn thành phố có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là những tháng cuối năm. Các doanh nghiệp tiếp tục đẩy nhanh việc thi công những công trình chuyển tiếp đồng thời triển khai thực hiện các hợp đồng mới. Ngoài ra, giá vật liệu xây dựng tiếp tục ổn định cùng với sự ấm lên của thị trường bất động sản tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án, công trình. Nhiều dự án phát triển nhà ở được hoàn thành và bàn giao trong năm cùng với hoạt động xây dựng nhà ở trong dân tăng khá cao đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất của ngành.

Giá trị sản xuất xây dựng năm 2016 theo giá hiện hành ước đạt 215.019,70 tỷ đồng, bao gồm: Khu vực Nhà nước đạt 16.122,72 tỷ đồng, chiếm 7,5%; khu vực ngoài Nhà nước đạt 180.332,66 tỷ đồng, chiếm 83,87%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18.564,33 tỷ đồng, chiếm 8,63%. Trong tổng giá trị sản xuất: giá trị sản xuất xây dựng công trình nhà chiếm 50,21%; công trình kỹ thuật dân dụng chiếm 28,96% và hoạt động xây dựng chuyên dụng chiếm 20,83%.

Giá trị sản xuất xây dựng năm 2016 theo giá so sánh ước đạt 179.374,92 tỷ đồng, tăng 11,67% so với cùng kỳ năm 2015, bao gồm: Khu vực Nhà nước đạt 13.449,13 tỷ đồng, tăng 5,48%; khu vực ngoài Nhà nước đạt 150.424,06 tỷ đồng, tăng 13,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 15.501,73 tỷ đồng, tăng 0,26%. Trong tổng giá trị sản xuất: giá trị sản xuất xây dựng công trình nhà tăng 15,36%; công trình kỹ thuật dân dụng tăng 7,88% và hoạt động xây dựng chuyên dụng tăng 8,62%.

4. Vốn đầu tư

Tổng vốn đầu tư trên địa bàn năm 2016 ước thực hiện 310.521 tỷ đồng, so với kế hoạch năm đạt 100,13%, so với cùng kỳ tăng 9,26%, thấp hơn tốc độ tăng năm trước (năm 2015 tăng 11,2%). Vốn đầu tư so GRDP bằng 30,3%. Trong đó:

- Vốn đầu tư xây dựng và sửa chữa lớn thuộc ngân sách thành phố năm 2016 ước thực hiện 22.520,8 tỷ đồng, đạt 83,9% kế hoạch năm, tăng 8,48% so với cùng kỳ.

- Cấp thành phố ước thực hiện 13.515,1 tỷ đồng, chiếm 60%, so cùng kỳ tăng 15,40%; cấp quận huyện ước thực hiện 9.005,7 tỷ đồng, chiếm 40%, so với cùng kỳ bằng 98,61%.

- Tình hình cấp phép xây dựng nhà ở hộ dân cư:

Tính đến ngày 30/11, toàn thành phố đã cấp 54.232 giấy phép xây dựng và sửa chữa lớn, với diện tích sàn 11,008 triệu m2 . Trong đó cấp cho xây dựng mới 53.485 giấy phép, với diện tích 10,929 triệu m2 và 747 giấy phép sửa chữa lớn, với diện tích 78,9 ngàn m2 . So với cùng kỳ tăng 8,8% về giấy phép (+4.288) và tăng 11,0% về diện tích (+1, 091 triệu m2 )

- Tình hình cấp phép đầu tư trực tiếp nước ngoài:

Từ đầu năm đến ngày 15/12, đã có 799 dự án có vốn nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 914,6 triệu USD. Điều chỉnh tăng vốn đầu tư 177 dự án, số vốn đạt 529,2 triệu USD. Tổng vốn đăng ký cấp mới và điều chỉnh tăng vốn đến ngày 15/12 đạt 1,443 tỷ USD (cùng kỳ năm trước 3,636 tỷ USD).

- Doanh nghiệp thành lập mới và ngưng hoạt động

Từ đầu năm đến ngày 15/12, đã có 35.327 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đăng ký đạt 292.581 tỷ đồng, tăng 49,9%; vốn bình quân 1 doanh nghiệp đạt 8,3 tỷ đồng, tăng 31,3% so với cùng kỳ.

Theo số liệu báo cáo từ cơ quan Thuế, trong 11 tháng có 25.777 doanh nghiệp ngưng, nghỉ kinh doanh, bằng 61,1% doanh nghiệp tăng trong kỳ. Trong đó, 91 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; 21.147 công ty TNHH; 2.887 công ty cổ phần; 1.599 doanh nghiệp tư nhân. So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng 12,9%.

5. Nông, lâm, thủy sản

Thành phố vẫn đang tiếp tục việc tái cơ cấu và phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, gắn liền với việc ứng dụng khoa học công nghệ cao và được quy hoạch hợp lý. Trong năm 2016, cơ quan quản lý ngành nông nghiệp đã có sự phối hợp với bà con nông dân để khắc phục những khó khăn về thời tiết bất thường, diện tích canh tác giảm, kiểm soát chặt chẽ tình hình sâu bệnh, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi… Chính vì thế, kết quả sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn đạt được mức tăng trưởng khá so với năm trước. Tổng giá trị sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản năm 2016 ước đạt 19.685,5 tỷ đồng (giá hiện hành); tính theo giá so sánh 2010 tăng 5,8% so với cùng kỳ. Trong đó, nông nghiệp chiếm 71,8%, tăng 5,3%; lâm nghiệp chiếm 0,9%, giảm 3,7%; thủy sản chiếm 27,3%, tăng 7,7%.

 Nông nghiệp:

Giá trị sản xuất nông nghiệp ước đạt 14.142,2 tỷ đồng (giá hiện hành), tính theo giá so sánh 2010 tăng 5,3% so với năm trước. Trong đó, trồng trọt 4.838,0 tỷ đồng, tăng 3,9%; chăn nuôi 7.847,2 tỷ đồng, tăng 4,5%.

- Trồng trọt: Diện tích gieo trồng cây hàng năm cả năm ước đạt 42.325 ha, giảm 3% so năm trước. Trong đó, diện tích lúa 19.471 ha, giảm 4,5%; sản lượng ước đạt 85.187 tấn, giảm 3,6%. Rau các loại 7.962 ha, giảm 10,9%; diện tích bắp giảm 48,9%; đậu phộng tăng 3,1%; mía hiện có tăng 3,7%. Hoa, cây cảnh 1.251,1 ha, tăng 1,7%; trong đó diện tích hoa lan chiếm 45,6%, tăng 2,4%. Năng suất các loại cây trồng nhìn chung đều tăng so với năm trước. Tiến độ gieo trồng vụ đông xuân 2016 – 2017: lúa đã xuống giống 911 ha; rau các loại 2.431 ha.

Tình hình sinh vật gây hại: công tác khuyến nông được thực hiện chặt chẽ, tăng cường các biện pháp phòng trừ, thường xuyên theo dõi và xử lý kịp thời các trường hợp sinh vật gây hại cho cây trồng. Nhờ đó, tình hình sâu bệnh xảy ra không đáng kể.

- Chăn nuôi: Theo kết quả điều tra chăn nuôi tại thời điểm 1/10/2016: đàn trâu 4.995 con, giảm 8,7% so với thời điểm năm trước. Đàn bò 127,6 ngàn con, giảm 2,2%; trong đó, bò sữa 90,1 ngàn con (bò cái sữa 53,2 ngàn con), chiếm 70,6% tổng đàn, giảm 13% so với thời điểm năm trước, chủ yếu do việc giảm đàn bò sữa có năng suất thấp. Sản lượng sữa tươi ước đạt 278,9 ngàn tấn, tăng 4% so cùng kỳ. Đàn heo 281,6 ngàn con, giảm 8,5% so với thời điểm năm trước. Đàn gia cầm: đàn gà đạt 417,9 ngàn con (gà công nghiệp chiếm 88,7%), nuôi tập trung tại các hộ gia công cho công ty CP và trang trại gà An Phú.

Tình hình dịch bệnh trên gia súc gia cầm: tiếp tục đảm bảo, giữ vững không xảy ra dịch bệnh gia súc, gia cầm, góp phần duy trì và phát triển ngành chăn nuôi của thành phố.

Lâm nghiệp:

Giá trị sản xuất lâm nghiệp ước đạt 170,1 tỷ đồng (giá hiện hành), tính theo giá so sánh 2010 giảm 3,7% so cùng kỳ; trong đó hoạt động khai thác chiếm 91,1%, giảm 3,2% so cùng kỳ do chưa tới kỳ khai thác. Tổng diện tích đất lâm nghiệp hiện nay 36.881 ha. Trong đó, đất có rừng 34.550 ha, đạt tỉ lệ che phủ 16,5%; tỉ lệ che phủ rừng và cây xanh đạt 40,1%.

Trong năm đã tổ chức 1.082 lượt tuần tra bảo vệ rừng; trong đó phối hợp chủ rừng thực hiện 324 lượt tuần tra, phối hợp với các xã và lực lượng giáp ranh 124 lượt tuần tra truy quét bảo vệ rừng. Kiểm tra ngăn chặn săn bắt, vận chuyển mua bán động vật rừng 158 lượt.

Thủy sản:

Giá trị sản xuất thuỷ sản ước đạt 5.373,2 tỷ đồng (giá hiện hành), tính theo giá so sánh 2010 tăng 7,7% so với năm trước. Trong đó, nuôi trồng chiếm 73,1%, tăng 8,2%; khai thác giảm 7,1%; dịch vụ tăng 68,7%.

Sản lượng thuỷ sản ước đạt 57.412,7 tấn, tăng 3,3% so với năm trước. Trong đó, nuôi trồng 37.485 tỷ đồng, tăng 10,6% (sản lượng tôm chiếm 37,3%, tăng 8,8%; thủy sản khác chiếm 47,4%, tăng 35,6%); sản lượng khai thác ước đạt 19.927,8 tấn, giảm 8,1%.

Chương trình chuyển dịch cơ cấu

Chương trình phát triển giống cây, giống con chất lượng cao: từ khi thực hiện chương trình đến nay đã bình tuyển, lập lý lịch 91,8 ngàn con bò sữa, trong đó có 85% bò sữa bình tuyển đạt tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngoài ra, tiếp tục chuyển giao kết quả đánh giá tiến bộ di truyền giống heo theo phương pháp BLUP khoảng 134,1 ngàn lượt con. Chương trình phát triển hoa - cây kiểng: có 222 hộ nông dân đã tham gia triển khai 41/48 mô hình như: Lan giống Mokara và Dendrobium, hoa Cát Tường, Mai ghép… Sưu tập 124 giống kiểng lá, 77 giống hoa nền, 360 giống lan các loại (136 mẫu giống lan rừng) và đã nhân giống hơn 250 ngàn cây cấy mô các loại.

 Chương trình phát triển rau an toàn: Chứng nhận VietGAP: Từ đầu năm 2016 đến nay, đã chứng nhận 57 tổ chức, cá nhân sản xuất rau với tổng diện tích canh tác 52,7 ha. Lũy kế còn hiệu lực đến nay 360 tổ chức, cá nhân, tương đương 308,9 ha diện tích canh tác. Triển khai xây dựng bản đồ số hóa vùng rau và duy trì thực hiện truy xuất nguồn gốc tại Hợp tác xã Phú Lộc và Phước An. Chương trình phát triển bò sữa: Khảo sát, theo dõi khả năng sinh sản, phối giống, năng suất sữa bò 31.963 lượt con, kết quả về số lượng và chất lượng của đàn bò ngày càng được cải thiện. Chương trình nhập nội, cải thiện chất lượng bò sữa: lũy kế đến nay đã cấp 5.730 liều tinh cho công ty và các hộ trại chăn nuôi trên địa bàn. Chương trình phát triển cá sấu: có 42 tổ chức và cá nhân gây nuôi với tổng đàn 143,6 ngàn con; trong đó 108 ngàn con thương phẩm.

6. Nội thương và giá tiêu dùng

Nội thương

Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn thành phố tháng 12 ước đạt 66.039,7 tỷ đồng, tăng 9,2% so với tháng trước. Ước tính cả năm, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt 682.703 tỷ đồng, tăng 9,1% so cùng kỳ năm 2015.

7. Xuất, nhập khẩu

Xuất khẩu

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp Thành phố ước thực hiện tháng 12 đạt 3,219 tỷ USD, tăng 13% so tháng trước. Ước tính 12 tháng năm 2016 đạt 31,799 tỷ USD, tăng 5,2% so cùng kỳ. Loại trừ giá trị dầu thô, trị giá xuất khẩu cả năm ước đạt 29,232 tỷ USD, tăng 10%.

Nhập khẩu

Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp Thành phố ước thực hiện tháng 12 đạt 3,692 tỷ USD, tăng 0,5% so tháng trước. Ước thực hiện cả năm đạt 37,856 tỷ USD, tăng 12,4% so cùng kỳ.

8. Vận tải

Tổng doanh thu vận tải hàng hóa và hành khách tháng 12 ước đạt 8.191,2 tỷ đồng, tăng 4,6% so với tháng trước và tăng 17,3% so với tháng 12 năm 2015. Ước tính cả năm đạt 86.008,7 tỷ đồng, tăng 20,4% so với năm trước. Vận tải hàng hóa chiếm 71%, tăng 20,2% so năm trước; vận tải hành khách chiếm 29%, tăng 21%.

Vận tải hàng hóa: Doanh thu tháng 12 ước đạt 6.184,7 tỷ đồng, tăng 4,7% so tháng trước. Ước tính cả năm 2016 đạt 61.048,2 tỷ đồng, tăng 20,2% so năm trước. Khu vực kinh tế nhà nước chiếm 7,25%, giảm 8,8%. Khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm 92,22%, tăng 23,3%.

Vận tải đường bộ chiếm 59,9%, tăng 24,2%. Vận tải đường biển chiếm 29,24%, tăng 11,7%.

Vận tải hành khách: Doanh thu tháng 12 ước đạt 2.006,4 tỷ đồng, tăng 4,3% so tháng trước. Ước tính cả năm đạt 24.960,5 tỷ đồng, tăng 21% so năm trước. Khu vực kinh tế nhà nước chiếm 1,45%, giảm 10,3%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm 82,04%, tăng 22,6%, kinh tế có vốn nước ngoài chiếm 16,51%, tăng 17,4%.

Vận tải đường bộ chiếm 82,67%, tăng 21,2%, đường hàng không chiếm 15,29%, tăng 20,4%.

9. Tài chính

Tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước 12 tháng ước thực hiện 307.336 tỷ đồng, đạt 103,03% dự toán, tăng 12,43% so cùng kỳ. Trong đó thu nội địa 190.778 tỷ đồng, đạt 107,42% dự toán, tăng 21,92% so cùng kỳ; thu từ dầu thô 14.059 tỷ đồng, đạt 77,24% dự toán, giảm 38,83% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 102.500 tỷ đồng, đạt 100,00% dự toán, tăng 9,16% so cùng kỳ.

Thu ngân sách nhà nước địa phương 12 tháng ước đạt 73.227 tỷ đồng, đạt 114,77% dự toán, tăng 14,43% so cùng kỳ năm 2015.

Tổng chi ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) 12 tháng ước thực hiện 59.407 tỷ đồng, đạt 93,11% dự toán, tăng 14,50% so cùng kỳ.

II. DÂN SỐ, LAO ĐỘNG VIỆC LÀM VÀ HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA – XÃ HỘI

1. Dân số lao động việc làm

- Dân số: ước tính dân số trung bình trên địa bàn thành phố năm 2016 có 8,426 triệu người, tăng 2,16% so với năm 2015.

- Giải quyết việc làm: Trong năm 2016, thành phố đã giải quyết việc làm cho 311.135 lượt người, đạt 115,24% so với kế hoạch, tăng 5,37% so với năm trước. Số việc làm mới tạo ra 130.109 chỗ, đạt 104,09% kế hoạch, tăng 5,12%. Tỷ lệ thất nghiệp từ kết quả thu thập thông tin cung lao động vào thời điểm tháng 8 là 4,4%.

Tổ chức 83 sàn giao dịch, phiên giao dịch việc làm, trong đó có 114.819 lượt người được giới thiệu và 55.466 lao động nhận được việc làm. Tư vấn, hướng nghiệp cho 326.000 lượt học sinh, sinh viên; cung cấp thông tin thị trường lao động cho 205.500 lượt người. Giải quyết việc làm cho người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài 14.048 lao động.

- Chính sách bảo hiểm thất nghiệp: Từ ngày 2/1 đến ngày 30/11, có 114.271 lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp; 113.704 người nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 12,6%; 116.583 người được tư vấn, giới thiệu việc làm, tăng 42,4%; 15.504 người được hỗ trợ học nghề, tăng 5,1%.

2. Trật tự an toàn xã hội

- Vi phạm kinh tế:

Phát hiện, xử lý 1.790 vụ, 1.500 đối tượng vi phạm, trị giá hàng hóa tang vật trên 106 tỷ đồng. Khởi tố 353 vụ, 269 bị can (án tham nhũng 22 vụ với 78 bị can), xử phạt hành chính nộp ngân sách Nhà nước khoảng 18,7 tỷ đồng.

- Vi phạm môi trường:

Phát hiện 772 vụ vi phạm (an toàn thực phẩm 452 vụ), xử phạt hành chính 495 vụ, nộp ngân sách Nhà nước trên 23 tỷ đồng.

- Vi phạm hình sự:

Xảy ra 5.205 vụ phạm pháp hình sự, giảm 13,31% so với năm trước, làm chết 104 người, bị thương 649 người, thiệt hại tài sản khoảng 65 tỷ đồng. Trong đó, các loại án xâm phạm tài sản (cướp, cướp giật và trộm cắp) đều giảm: 165 vụ cướp tài sản (-71 vụ); 888 vụ cướp giật tài sản (-115 vụ); 2.859 vụ trộm cắp tài sản (-557 vụ), nguyên nhân giảm là do việc tăng cường, huy động công tác tuần tra và củng cố công tác điều tra, quản lý đối tượng. Điều tra khám phá 3.683 vụ phạm pháp hình sự (đạt 70,75%), cao hơn 4% so với năm trước, bắt 3.578 đối tượng, triệt phá 2.394 băng nhóm, bắt 9.784 đối tượng vi phạm hình sự và tệ nạn xã hội.

- Hoạt động phòng chống tệ nạn xã hội:

Ma túy: đã điều tra, khám phá 1.579 vụ, bắt 3.257 tên, thu giữ 9,947 kg Heroin; 109,192 kg ma túy tổng hợp; 5,06 kg Cocain; 2,254 kg Cần sa… Khởi tố 1.195 vụ với 1.625 bị can, xử phạt hành chính 384 vụ với 1.632 đối tượng

Mại dâm và tệ nạn xã hội khác: triệt phá 69 ổ mại dâm, xử lý 282 đối tượng.

Cờ bạc, cá độ: phát hiện và xử lý 376 vụ cờ bạc, xử phạt hành chính 1.584 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tỷ đồng và nhiều công cụ, phương tiện phạm tội khác.

- Trật tự an toàn giao thông:

+ Tai nạn đường bộ: đã xảy ra 3.903 vụ tai nạn, tăng 4,41% so với năm  2015, làm chết 798 người, bị thương 3.236 người. Phát hiện xử lý 276.545 trường hợp vi phạm Luật giao thông đường bộ, phạt 180.301 trường hợp, chuyển Kho bạc Nhà nước 134,56 tỷ đồng; tước giấy phép lái xe 63.990 trường hợp; tạm giữ 37.155 xe vi phạm các loại.

+ Tai nạn đường sắt: xảy ra 06 vụ, giảm 33% (-03 vụ), làm chết 06 người, không có người bị thương.

 + Tai nạn giao thông đường thủy: xảy ra 26 vụ, tăng 66,66%, không gây thiệt hại về người.

- Tình hình cháy nổ (từ ngày 16/12/2015 đến 15/12/2016):

Xảy ra 411 vụ cháy, giảm 24,86%, làm chết 16 người, bị thương 33 người, thiệt hại về tài sản khoảng 245,8 tỷ đồng (trong đó có 22 vụ chưa ước tính được thiệt hại). Nguyên nhân do sự cố các hệ thống, thiết bị sử dụng điện. Xảy ra 14 vụ tự đốt cháy, làm chết 01 người, bị thương 12 người; thiệt hại tài sản ước tính thành tiền khoảng 8 triệu đồng. Trên địa bàn thành phố không xảy ra vụ nổ nào (cùng kỳ năm trước xảy ra 05 vụ).

3. Công tác giảm nghèo

Trong giai đoạn 2016 – 2020, Thành phố thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững theo hướng chuyển đổi phương pháp tiếp cận nghèo từ đơn chiều sang đa chiều. Đến tháng 6/2016, theo kết quả khảo sát và công nhận hộ nghèo thành phố có 64.985 hộ, chiếm tỷ lệ 3,3% tổng hộ dân thành phố.

Tính đến 30/11/2016, Quỹ xóa đói giảm nghèo đang trợ vốn cho 28.824 hộ nghèo và 78 cơ sở sản xuất kinh doanh thu nhận 688 lao động, với số tiền 314,9 tỷ đồng. Quỹ Quốc gia về việc làm giải ngân được 290,1 tỷ đồng của 11.830 dự án, giải quyết việc làm cho 15.834 lao động. Công tác chăm lo tết: Thành phố đã tổ chức thăm và tặng quà tết Bính Thân cho 48.573 hộ nghèo (thu nhập từ 21 triệu đồng/người/năm trở xuống) với tổng kinh phí 62,7 tỷ đồng.

4. Chương trình xây dựng nông thôn mới

 Tổng số xã được Thành phố quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đến nay là 54/56 xã, gồm: huyện Củ Chi 20/20 xã, huyện Hóc Môn 10/10 xã, huyện Bình Chánh 12/14 xã, huyện Nhà Bè 06/06 xã và huyện Cần Giờ 06/06 xã. Còn lại 02/56 xã chưa được công nhận đạt chuẩn: xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B thuộc huyện Bình Chánh, đạt 17/19 tiêu chí. Có 03/05 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: huyện Củ Chi, huyện Nhà Bè và huyện Hóc Môn.

DỰ BÁO KINH TẾ THẾ GIỚI NĂM 2017

Năm 2016 khép lại với bối cảnh kinh tế thế giới không có nhiều khởi sắc. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm qua ở mức 2,4%, không thay đổi so với tốc độ của năm 2015 và thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với dự báo hồi đầu năm. Bước sang năm 2017, kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro dù vẫn có những điểm sáng.

Tiềm ẩn thách thức

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển (EMDE) hiện đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm sụt giảm sản lượng sản xuất, hoạt động thoái vốn của các nhà đầu tư, cùng với đó là tác động từ tăng trưởng yếu ở các nền kinh tế tiên tiến, giá cả hàng hóa liên tục thấp, thương mại toàn cầu ảm đạm. Năm 2016, thế giới cũng chứng kiến nhiều cú sốc bất ngờ như việc Anh chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) sau 43 năm là thành viên, Mỹ có Tổng thống đầu tiên xuất thân là tỷ phú - Donald Trump, giá dầu lao dốc không phanh và hàng loạt diễn biến sẽ gây tác động đến chính trị trên khắp thế giới. Những yếu tố này chi phối, gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế thế giới và dự kiến sẽ tiếp tục ảnh hưởng trong những năm tiếp theo.

Kết quả khảo sát của Reuters cho thấy, mặc dù các nhà đầu tư tỏ ra lạc quan về triển vọng nền kinh tế toàn cầu trong năm tới, nhưng theo giới quan sát, nhiều khả năng tình hình năm 2017 sẽ vẫn không đồng đều và ấn tượng. Theo các chuyên gia, lạm phát leo thang và đồng USD mạnh lên do việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất sẽ là hai trong số các yếu tố tạo “sóng” cho nền kinh tế.

Dự báo, lạm phát sẽ quay trở lại đeo bám thị trường toàn cầu, khiến ngân hàng trung ương các nước phải từ bỏ những chính sách phi truyền thống và áp dụng các phương pháp thắt chặt tiền tệ. Động thái thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ nhiều khả năng sẽ làm chao đảo nền kinh tế toàn cầu trong đầu năm 2017. Thị trường thế giới được dự báo sẽ phải trải qua thời kỳ biến động khi Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đứng trước nguy cơ sụp đổ sau Brexit và những tranh chấp về thương mại có khả năng khiến các nhà đầu tư hoang mang, dễ dẫn tới các phản ứng quá khích. Anh có thể mất ảnh hưởng ở châu Âu xét trên khía cạnh sáng kiến thương mại quốc tế. Kinh tế khó khăn cùng các chính sách thắt lưng buộc bụng, thắt chặt chính sách tiền tệ chắc chắn sẽ gây ra một số biến động trong lòng xã hội châu Âu và thế giới, kích thích chủ nghĩa dân tộc gia tăng mạnh mẽ trên toàn cầu. Ngoài ra, sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ có thể tác động bất lợi tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm tới.

Viễn cảnh không đồng đều

Thương mại toàn cầu đang ảm đạm giữa bối cảnh kinh tế thế giới vừa thoát khỏi khủng hoảng tài chính (bắt đầu từ gần 10 năm trước) được dự đoán sẽ còn đi xuống. Đồng bạc xanh mạnh lên so với các đồng tiền khác cũng sẽ ảnh hưởng đến cách thức mà các thị trường mới nổi quản lý tỷ lệ lạm phát, khiến niềm tin kinh doanh suy giảm.

Tuy nhiên, cuối tháng 11/2016, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2017. Theo đó, kinh tế thế giới dự kiến sẽ tăng trưởng 3,3%, cao hơn so với mức dự kiến 3,2% đưa ra hồi tháng 9/2016. Tổ chức này cho rằng, các biện pháp kích cầu và sự tiến triển của chính sách thương mại sẽ giúp đưa kinh tế thế giới thoát khỏi “bẫy tăng trưởng thấp”.

Năm 2017, tăng trưởng kinh tế Nhật Bản sẽ vẫn “ì ạch” với mức tăng trưởng 1%. Theo OECD, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cần duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ cho đến khi lạm phát ổn định ở mức trên 2%. OECD cho biết, việc thực hiện kế hoạch đáng tin cậy và chi tiết, bao gồm lộ trình tăng từng bước thuế tiêu dùng, là cần thiết để duy trì niềm tin đối với tình hình “sức khỏe” tài chính công của Nhật Bản. Kinh tế Mỹ có thể hưởng lợi từ chính sách tăng cường chi tiêu công và cắt giảm thuế của Tổng thống đắc cử Donald Trump, với dự báo tăng trưởng 2,3% trong năm 2017, cao hơn mức dự kiến 2,1% trước đó.

Triển vọng của các nền kinh tế mới nổi được dự đoán sẽ tiếp tục mong manh và phần lớn các nền kinh tế châu Á sẽ chưa “bung” hết sức. Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - tuy đã có những bước chuyển nhẹ trong năm 2016, nhờ các khoản vay của Chính phủ và giá trị đồng nội tệ suy yếu, song, tăng trưởng trong năm 2017 được dự báo sẽ chậm lại. Ngay cả Ấn Độ - nền kinh tế được đánh giá là phát triển nhanh nhất thế giới trong năm nay - cũng đang gia cố lại để thúc đẩy tăng trưởng do bị ảnh hưởng bởi chính sách đổi tiền.

Điểm sáng là tăng trưởng kinh tế của Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bắt đầu tăng tốc khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục chương trình mua trái phiếu, nhằm giảm áp lực lên đồng euro từ những thị trường khác và giúp hàng hóa xuất khẩu rẻ hơn. Theo OECD, Eurozone có thể tăng trưởng 1,6% năm 2017. Đáng chú ý, kinh tế Anh dự kiến tăng trưởng 1,2% năm 2017, cao hơn con số ước tính 1% trước đó. Tuy nhiên, các cuộc bầu cử sẽ được tổ chức ở Hà Lan, Pháp, Đức trong năm tới có thể làm ảnh hưởng tới hiện trạng nền kinh tế khu vực. Ảnh hưởng của chính sách tiền tệ toàn cầu cũng đang yếu dần và ngày càng không đồng bộ với chiến dịch thắt chặt tiền tệ của FED.

8 ĐIỂM NÓNG CÓ NGUY CƠ BÙNG PHÁT XUNG ĐỘT

NĂM 2017

Thế giới đang bước vào giai đoạn nguy hiểm nhất trong nhiều thập kỷ. Sự gia tăng nhanh chóng những cuộc xung đột đang gây ra những hậu quả khôn lường, từ cuộc khủng hoảng người tị nạn toàn cầu đến sự lây lan của chủ nghĩa khủng bố. Thất bại chung trong việc giải quyết xung đột đang tạo ra những mối đe dọa mới và cấp bách.

Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế Jean-Marie Guehenno, người từng là Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách về các hoạt động gìn giữ hòa bình giai đoạn 2000-2008 đã liệt kê những điểm nóng trên thế giới có nguy cơ bùng phát xung đột năm 2017 trên tờ Chính sách Đối ngoại (Mỹ) mới đây. Cụ thể:

1. Syria và Iraq

Sau gần 6 năm xung đột tại Syria, ước tính có 500.000 người thiệt mạng và 12 triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Hiện nay, Tổng thống Syria Bashar al-Assad vẫn đang nắm quyền, nhưng ngay cả với sự ủng hộ từ bên ngoài, các lực lượng của ông Assad cũng không thể kết thúc cuộc xung đột và giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn đất nước trong năm 2017, vì có nhiều bên liên quan, cả ở trong và ngoài nước, với những mục tiêu chiến lược khác nhau. Điều này được minh chứng trong việc nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) đã tái kiểm soát thành cổ Palmyra gần đây, chỉ 9 tháng sau khi một chiến dịch quân sự do Nga hậu thuẫn đã đánh bật IS ra khỏi khu vực này. 

Tại Iraq, cuộc chiến chống IS đã làm xói mòn khả năng quản lý của nhà nước do bị hủy diệt rất lớn, thanh niên bị quân sự hóa, và một xã hội bị tổn thương. Nước này đã bị chia rẽ từ các đảng phái chính trị người Kurd và người Shiite, thành nhiều phe phái đối đối địch cùng các lực lượng bán quân sự phụ thuộc vào những nước ủng hộ trong khu vực, đồng thời cạnh tranh với nhau về các nguồn lực của Iraq. 

Thành công trong chiến dịch quân sự do Mỹ hậu thuẫn nhằm giành lại quyền kiểm soát Mosul gần đây, nếu không được quản lý, có thể trở thành thất bại. Bên cạnh quân đội chính quy Iraq, các lực lượng chống khủng bố đặc biệt, cảnh sát liên bang, các nhóm địa phương liên quan, đang đòi quyền lợi. Hơn nữa, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đang cạnh tranh ảnh hưởng bằng cách sử dụng lực lượng ủy nhiệm địa phương. Giao tranh càng kéo dài, sẽ càng có nhiều nhóm khác nhau lợi dụng cơ hội để giành được lợi thế chiến lược thông qua kiểm soát lãnh thổ, làm phức tạp  tiến trình hướng đến một giải pháp chính trị.

2. Thổ Nhĩ Kỳ

Vụ tấn công ngày đầu năm mới ở Istanbul, khiến ít nhất 39 người thiệt mạng, có vẻ như là dấu hiệu cho sự xuất hiện tình trạng bạo lực nguy hiểm hơn trong thời gian tới. Ngoài tình hình đang trở nên tồi do các cuộc xung đột ở Iraq và Syria, Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải đối mặt với một cuộc xung đột đang leo thang với Đảng Công nhân người Kurd (PKK). Bị chia rẽ về chính trị, nền kinh tế đang gặp khó khăn và một liên minh yếu (mối quan hệ xấu đi với Mỹ và EU), Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ xảy ra biến động lớn trong năm nay.

3. Yemen

Cuộc chiến ở Yemen đã tạo ra một thảm họa nhân đạo, đang tàn phá quốc gia vốn là nước nghèo nhất trong thế giới Arab. Với việc hàng triệu người hiện nay đang nguy cơ bị nạn đói hoành hành, một lệnh ngừng bắn toàn diện và giải pháp chính trị cho cuộc xung đột này là cần thiết và ngày càng trở nên cấp bách.

Yemen đã phải trải qua những tổn thất lớn từ các cuộc không kích, tấn công bằng tên lửa và phong tỏa về kinh tế. Theo LHQ, khoảng 4.000 dân thường đã thiệt mạng, phần lớn trong các cuộc không kích của liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu. Tất cả các bên liên quan trong cuộc xung đột bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, trong đó có các cuộc tấn công bừa bãi vào những khu vực dân sự.

4. Nam Sudan

Sau ba năm nội chiến, quốc gia non trẻ nhất thế giới này vẫn chìm trong hỗn loạn bởi các cuộc xung đột, khiến 1,8 triệu người mất nhà cửa và khoảng 1,2 triệu người chạy trốn khỏi đất nước. Trong tháng 12/2016, Tổng thống Salva Kiir kêu gọi khôi phục lệnh ngừng bắn và đối thoại quốc gia để thúc đẩy hòa bình và hòa giải. Nhưng nỗ lực này có thành công hay không còn phụ thuộc vào sự quyết tâm của chính phủ chuyển tiếp trong việc đàm phán với những nhóm vũ trang đơn lẻ và với các cộng đồng bất mãn cấp cơ sở.

5. Afghanistan

Chiến tranh và bất ổn chính trị ở Afghanistan gây ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế, hơn 15 năm sau khi lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu lật đổ Taliban như là một phần của một chiến dịch rộng lớn hơn nhằm đánh bại al-Qaeda. Hiện nay, Taliban đang giành được một số lợi thế trên thực địa; mạng lưới Haqqani đang tiến hành các vụ tấn công ở những thành phố lớn; trong khi IS tuyên bố sẽ tiến hành một loạt các cuộc tấn công nhằm vào người Hồi giáo Shiite để làm bùng lên cuộc xung đột bạo lực giáo phái. Số lượng các cuộc đụng độ vũ trang tại quốc gia này trong năm ngoái đạt mức cao kỷ lục kể từ năm 2007, gây thương vong lớn cho dân thường. Việc các lực lượng an ninh Afghanistan ngày càng suy yếu khiến nguy cơ để lại nhiều khu vực không được kiểm soát vốn có thể bị khai thác bởi các nhóm chiến binh trong khu vực và xuyên quốc gia.

Trong khi đó, mối quan hệ của Afghanistan với Pakistan từ lâu đã trở nên căng thẳng do cáo buộc Islamabad hỗ trợ cho Taliban và các nhóm chiến binh khác. Căng thẳng gia tăng vào mùa Thu năm ngoái khi hàng nghìn người tị nạn Afghanistan ở Pakistan đã buộc phải chạy trốn trong bối cảnh bạo lực gia tăng, bị giam giữ và sách nhiễu. Cuộc khủng hoảng người tị nạn Afghanistan đã trở nên tồi tệ hơn bởi kế hoạch của EU trục xuất 80.000 người tị nạn trở về Afghanistan. 

Tất cả điều trên làm tăng nguy cơ về một cuộc khủng hoảng kinh tế và bất ổn chính trị đối với quốc gia này năm 2017.

6. Myanmar

Chính phủ mới của bà Aung San Suu Kyi đã cam kết hòa bình và hòa giải dân tộc là những ưu tiên hàng đầu của mình; tuy nhiên, sự bùng phát bạo lực gần đây đã hủy hoại nỗ lực nhằm chấm dứt gần 70 năm xung đột vũ trang. Tháng 11 vừa qua, “Liên minh phương Bắc” gồm 4 nhóm vũ trang sắc tộc đã thực hiện các cuộc tấn công chung chưa từng có tiền lệ nhằm vào các mục tiêu đô thị ở một khu vực thương mại trọng điểm trên biên giới với Trung Quốc, gây ra sự leo thang quân sự ở phía Đông Bắc quốc gia Đông Nam Á này. Đây không phải là điềm tốt cho tiến trình tại Hội nghị Hòa bình Palong thế kỷ 21, dự kiến diễn ra trong tháng 2 tới, phần của tiến trình hòa bình mới để thống nhất các nhóm vũ trang sắc tộc chính của nước này.

7. Ukraine

Ukraine đã trải qua gần ba năm xung đột, khiến khoảng 10.000 người thiệt mạng. Việc thực thi thỏa thuận Minsk được ký vào 2/2015 cũng đang bị đình trệ. Bị chia rẽ bởi cuộc xung đột và vấn đề tham nhũng, tương lai phía trước của nước này thực sự không mấy sáng sủa. 

8. Mexico

Căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Mexico có vẻ không thể tránh khỏi sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Trump cam kết xây dựng một bức tường biên giới, trục xuất hàng triệu người nhập cư không có giấy tờ hợp lệ và chấm dứt Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ. Ông chỉ trích người nhập cư Mexico với các tội như buôn bán ma túy, tội phạm và hãm hiếp... Trong một nỗ lực nhằm tránh đối đầu trong tương lai, Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto đã mời ông Trump đến thăm nước này trong tháng 9/2017 - một động thái ban đầu đã phản tác dụng trong bối cảnh công chúng Mexico đang giận dữ về tình trạng tội phạm, tham nhũng và một nền kinh tế yếu kém.

Nếu Mỹ theo đuổi chính sách trục xuất hàng loạt, điều này sẽ có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng an ninh và nhân đạo tồi tệ. Trong khi đó, người tị nạn và người di cư từ Mexico và Trung Mỹ đang tìm cách chạy trốn khỏi bạo lực và nghèo đói. Một cuộc khảo sát năm 2016 cho thấy bạo lực vũ trang tại Mexico và Bắc Triangle đã khiến khoảng 34.000 người thiệt mạng, cao hơn số người chết tại Afghanistan trong cùng giai đoạn. Tăng cường trục xuất và kiểm soát biên giới sẽ có nguy cơ đẩy người di cư không có giấy tờ vào kênh nguy hiểm hơn - trong khi các băng nhóm tội phạm và các quan chức tham nhũng hưởng lợi. 

                                                           

Nguồn tin: TRUNG TÂM THÔNG TIN CÔNG TÁC TƯ TƯỞNG THÀNH PHỐ TỔNG HỢP


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Đăng nhập thành viên
 
 

Đăng nhập bằng OpenID Đăng nhập bằng OpenID

Thăm dò ý kiến

Đâu là yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi Đoàn?

Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 10
 
  •   Hôm nay 905
  •   Tháng hiện tại 11,271
  •   Tổng lượt truy cập 15,143,022