Những tác phẩm vô giá về giáo dục lý luận chính trị của Đảng t

Thứ tư - 11/01/2012 06:41

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc giáo dục lý luận chính trị và giáo dục thực hành lý luận cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. “Đường Kách mệnh” và “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hai tác phẩm lý luận lớn, cũng là những tác phẩm vô giá về giáo dục lý luận chính trị của Người để lại.

Những tác phẩm vô giá về giáo dục lý luận chính trị của Đảng t

Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng ta luôn đặt nhiệm vụ xây dựng Đảng về lý luận chính trị là nhiệm vụ hàng đầu. Đây cũng chính là vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta luôn quan tâm ngay từ khi phấn đấu thành lập Đảng cũng như trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng nước ta sau này. Người đã có rất nhiều bài viết, bài nói và những tác phẩm riêng về xây dựng Đảng nói chung, về công tác giáo dục lý luận chính trị nói riêng. Trong các tài liệu đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trình bày rất rõ, rất toàn diện và cụ thể về vấn đề này, từ giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin đến vấn đề xây dựng Đảng mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; từ nội dung và nhiệm vụ học lý luận chính trị đến vấn đề nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác giáo dục lý luận chính trị. 
 
1. “Đường Kách mệnh” - tác phẩm lý luận đầu tiên, cũng là tác phẩm lớn về giáo dục lý luận chính trị của Đảng ta
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác- Lênin sau khi đã nghiên cứu nhiều học thuyết, tìm hiểu nhiều tôn giáo trên thế giới. Người đã tự nhận mình là học trò của Đức Khổng Tử, của Chúa Giê su, của Các Mác, Tôn Dật Tiên…Cùng với việc tiếp thu những tinh hoa của các học thuyết ấy, Người còn tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tiễn qua việc nghiên cứu các cuộc cách mạng trên thế giới. Người nhận xét: Cuộc cách mạng Mỹ 1776 cũng như cuộc cách mạng Pháp 1789 đều là những cuộc “cách mạng không đến nơi… Cách mệnh An Nam nên nhớ điều ấy”(1) và “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có Đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”(2).
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chắt lọc những tinh hoa của lý luận và thực tiễn cách mạng thế giới để định ra con đường cách mạng Việt Nam. Khi gặp ánh sáng của cách mạng Tháng Mười, ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, Người vui mừng khôn tả xiết. Người nói: Chủ nghĩa Lênin đối với cách mạng Việt Nam như người đi đường đang đói mà có cơm ăn, đang khát mà có nước uống. Người quyết định phải đến nước Nga, đến với Lênin. Tháng 6/1923, bất chấp muôn ngàn thử thách và hiểm nguy, Nguyễn Ái Quốc đã đến Tổ quốc của cách mạng Tháng Mười.
 
Sau hơn một năm học tập và nghiên cứu tại Liên Xô, được chứng kiến công cuộc xây dựng CNXH, xây dựng cuộc sống hạnh phúc của nhân dân Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc càng mong sớm được trở về Tổ quốc. Người tin tưởng vào tương lai không xa trên đất nước thân yêu của mình cũng sẽ diễn ra sự nghiệp xây dựng CNXH. Tháng 3/1924, khi trả lời phỏng vấn phóng viên báo “Unita” của Đảng Cộng sản Ý tại Matxcơva - Giôvanni Giécmanéttô, Nguyễn Ái Quốc nói: Tôi sẽ trở về tổ quốc để đấu tranh cho sự nghiệp của chúng tôi. Ở bên chúng tôi có nhiều việc phải làm lắm… “Chúng tôi hiểu rõ là chúng tôi có trách nhiệm rất nặng nề và tương lai của các dân tộc tùy thuộc vào sự tuyên truyền và tinh thần hy sinh của chúng tôi”(3).
 
Nguyễn Ái Quốc xác định công việc đầu tiên phải làm là thành lập tổ chức của những người cộng sản, huấn luyện và đào tạo họ trở thành những chiến sỹ tiên phong cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Nguyễn Ái Quốc khẳng định giáo dục chủ nghĩa Lênin là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để những người cách mạng Việt Nam, trước hết là những người cộng sản, người lãnh đạo luôn là những người đi trước, dám hy sinh, sả thân vì sự nghiệp đó. Người còn chỉ rõ việc giáo dục chủ nghĩa Lênin là nguyên tắc đảm bảo cho Đảng có phương hướng, có nền tảng vững chắc và chỉ có theo chủ nghĩa Lênin mới đảm bảo cho Đảng trở thành người lãnh đạo đúng đắn và duy nhất của cách mạng Việt Nam.
 
Toàn bộ nội dung cuốn “Đường Kách mệnh” của Người là nhằm tổ chức và xây dựng Đảng ta theo tinh thần đó. Ngay trang đầu tiên của cuốn sách Nguyễn Ái Quốc đã trích câu nói nổi tiếng của Lênin trong tác phẩm “Làm gì”, rằng: “Không có lý luận cách mạng, thì không có cách mạng vận động…Chỉ có theo lý luận cách mạng tiên phong Đảng cách mạng mới làm nổi nhiệm vụ cách mạng tiên phong”. Người còn chỉ rõ: “Đảng có vững cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm nòng cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam…Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”(4).
 
Là tác phẩm lý luận nhưng hành văn của “Đường Kách mệnh” rất đơn giản và dễ hiểu. Nguyễn Ái Quốc viết: “Sách này muốn nói cho vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ. Chắc có người sẽ chê rằng văn chương cụt quằn. Vâng! Đây nói việc gì cũng rất giản tiện, mau mắn, chắc chắn như hai lần hai là bốn, không tô vẽ, trang hoàng gì cả…Văn chương và hy vọng sách này chỉ ở trong hai chữ: Cách mệnh! Cách mệnh! Cách mệnh!!! Nguyễn Ái Quốc đã “Việt Nam hóa” lý luận Mác- Lênin một cách thật tài tình. Những vấn đề lý luận quan trọng Người mong muốn những người Việt Nam thấm nhuần được tóm tắt trong hai từ “Cách mệnh”. Hai từ này được giảng giải bằng những lời giản dị rất dễ hiểu, dễ nhớ. Người viết: Muốn làm cách mạng thì phải biết:
- Làm cho quần chúng giác ngộ.
- Phải giảng giải lý luận và chủ nghĩa cho dân hiểu.
- Làm cách mệnh phải bày sách lược cho dân.
- Muốn làm cách mệnh phải tập trung sức. Và muốn tập trung sức phải có đảng cách mệnh.
 
Với hai từ “Cách mệnh” Nguyễn Ái Quốc lại giảng giải: Cách mệnh là gì? Cách mệnh có mấy thứ? Vì sao mà sinh ra tư bản cách mệnh? Vì sao mà sinh ra dân tộc cách mệnh? Vì sao mà sinh ra giai cấp cách mệnh? Cách mệnh khó hay dễ? Cách mệnh trước hết phải có cái gì?. Đó là những vấn đề lý luận hết sức cần thiết để những người cách mạng Việt Nam lúc đó mở rộng hiểu biết về thế giới. Nguyễn Ái Quốc đã giảng giải những vấn đề đó trên quan điểm Mác- Lênin và cho rằng đó là nền tảng tư tưởng mà một chính đảng không thể thiếu. Bằng cách đó, chủ nghĩa Mác- Lênin đã đến với cách mạng và nhân dân Việt Nam, như hạt giống tốt gặp mảnh đất mầu mỡ đã được chuẩn bị sẵn sàng, đã tạo ra bước ngoặt lịch sử cho cách mạng Việt Nam.
 
Trên quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin và kinh nghiệm của phong trào cách mạng thế giới, Người chỉ rõ cách mạng Việt Nam là cách mạng giải phóng dân tộc và có hai giai đoạn: cách mạng giải phóng dân tộc sau đó là cách mạng vô sản. Hai giai đoạn đó có quan hệ chặt chẽ với nhau, cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới. “Đường Kách mệnh” cũng đã chỉ rõ nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Việt Nam là đánh đổ đế quốc Pháp và phong kiến tay sai. Lực lượng để tiến hành cuộc cách mạng ấy là toàn dân tộc, trong đó lực lượng chủ yếu là công nhân, nông dân.
 
Với những nhiệm vụ cách mạng được nêu lên trong “Đường Kách mệnh”, Nguyễn Ái Quốc cũng đã chỉ rõ nguyên tắc chiến lược trong việc xác định đường lối cách mạng, đó là phải vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin. Đảng phải xây dựng cho mình một hệ thống lý luận riêng phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tiễn thì lý luận đó mới trở thành người dẫn đường, lý luận đó mới là lý luận chân chính. Sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Từ trong học thuyết dạt dào sức sống của chủ nghĩa Lênin, chúng tôi khơi nguồn sức mạnh để giành thắng lợi cho sự nghiệp thiêng liêng là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, để giành thắng lợi cho CNXH” (5).
Đánh giá ý nghĩa tác phẩm “Đường Kách mệnh”, đồng chí Trường Chinh đã viết: “Đường Kách mệnh” chẳng những có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn trong thời kỳ đã qua mà còn soi sáng con đường cho nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn trong giai đoạn mới”(6).
 
2. “Sửa đổi lối làm việc”- một tác phẩm lớn về giáo dục thực hành lý luận chính trị theo quan điểm Hồ Chí Minh
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến giáo dục chủ nghĩa Mác- Lênin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Song Người cũng luôn nhấn mạnh rằng học Mác- Lênin là phải học tinh thần Mác- Lênin, học phương pháp Mác-Lênin để xử trí mọi việc. Người nói với cán bộ huấn luyện: “Các chú dạy cho cán bộ đảng viên và nhân dân về chủ nghĩa Mác- Lênin, chắc có nhiều người thuộc, nhưng các chú có làm cho mọi người hiểu chủ nghĩa Mác- Lênin là thế nào không? Theo Bác hiểu chủ nghĩa Mác- Lênin tức là cách mạng phân công cho việc gì, làm chủ tịch nước hay nấu ăn, đều phải làm tròn nhiệm vụ. Không nên đào tạo ra những con người thuộc sách làu làu, cụ Mác nói thế này, cụ Lênin nói thế kia, nhưng nhiệm vụ của mình được giao quét nhà lại để cho nhà đầy rác”(7). Trong nhiều tài liệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục thực hành lý luận Mác- Lênin, thì tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” là một điển hình tiêu biểu.
 
Tiếp theo cuốn “Đường Kách mệnh”, ở tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục nêu rõ phải giáo dục chủ nghĩa Mác- Lênin, giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ và nhân dân ta. Người viết: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế”; “Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”. Vì vậy, ở tác phẩm này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những khuyết điểm mà nhiều cán bộ còn mắc phải, như: kém lý luận, khinh lý luận, lý luận suông. Người cũng chỉ ra nguyên nhân của những khuyết điểm đó đều là do nhận thức chưa rõ vai trò của lý luận. Người nêu những người kém lý luận là những người lười học tập, lười nghiên cứu lý luận hoặc là do yêu cầu của nhiệm vụ có bước phát triển nhanh, mới, nên trình độ lý luận chưa theo kịp, dẫn đến kết quả làm việc thất bại. Người viết: “Vì kém lý luận nên gặp mọi việc không biết xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử trí cho khéo. Không biết nhận rõ điều kiện hoàn cảnh khách quan, ý mình nghĩ thế nào làm thế ấy. Kết quả thường thất bại”.
 
Về chứng bệnh khinh lý luận, Người phân tích đó thường là khuyết điểm của những người cho rằng mình có kinh nghiệm và không biết phải kết hợp kinh nghiệm ấy với lý luận để giải quyết công việc. Người viết: “Có những cán bộ, những đảng viên cũ, làm được việc, có kinh nghiệm...Nhưng họ lại mắc phải cái bệnh khinh lý luận. Họ quên rằng: nếu họ đã có kinh nghiệm mà lại biết thêm lý luận thì công việc tốt hơn nhiều…Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ. Những anh em đó cần phải nghiên cứu thêm lý luận, mới thành người cán bộ hoàn toàn”. Nhưng cũng theo Người: “Lý luận cốt là để áp dụng vào thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông”.
 
Một nội dung rất lớn và quan trọng của tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” là việc giáo dục tư cách đạo đức cách mạng để người đảng viên có thể biến lý luận thành hành động cụ thể. Người kết luận: “Chúng ta phải gắng học, đồng thời học thì phải hành”. Bởi vậy, trong toàn bộ 6 phần của nội dung cuốn sách là: Phê bình và sửa chữa; Mấy điều kinh nghiệm; Tư cách và đạo đức cách mạng; Vấn đề cán bộ Cách lãnh đạo; Chống thói ba hoa, thì phần “Tư cách và đạo đức cách mạng” có vị trí đặc biệt quan trọng và có độ dài nhất trong tác phẩm.
 
Vấn đề đạo đức cách mạng cũng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên như một nguyên tắc “sống còn” trong xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam ở tác phẩm “Đường Kách mệnh” năm 1927. Và đây là nội dung giáo dục đầu tiên trong các lớp huấn luyện cán bộ của Đảng ta lúc đó. "Trung với nước, hiếu với dân", phẩm chất cơ bản của đạo đức cách mạng mới được nêu lên rất rõ trong tác phẩm này. Có phẩm chất ấy người cán bộ đảng viên có thể sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp của Đảng, của dân tộc. “Vị công vong tư. Không hiếu danh. Không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Ít lòng ham muốn vật chất. Giữ vững chủ nghĩa. Biết hy sinh”…Tư cách đạo đức đó lại được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát triển sâu sắc thêm, cụ thể hơn trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” trong điều kiện mới, khi Đảng đã trở thành Đảng cầm quyền. 
 
Ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi đảng viên phải thực hiện một cách nghiêm túc mối quan hệ giữa lời nói và việc làm và nêu cụ thể nhiệm vụ của mỗi cán bộ đảng viên phải làm gì và làm như thế nào để thực hành lý luận. Những nhiệm vụ đó được Người trình bày cụ thể trong các phần: về phận sự của đảng viên và cán bộ về tư cách và bổn phận của đảng viên; về vấn đề vì sao đảng viên phải rèn luyện tính Đảng. Điều cốt lõi để thực hiện những nhiệm vụ đó là phải trọng lợi ích của Đảng hơn lợi ích của cá nhân. Người viết: “Vô luận thế nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng”. Trái lại những đảng viên và cán bộ nào “ham muốn địa vị, tìm cách phát tài, ra mặt anh hùng, tự cao tự đại,v.v..Đó đều là trái với lợi ích của Đảng”. Cũng trong tác phẩm này, những vấn đề về đạo đức cách mạng một lần nữa được Người phân tích, giảng giải. Theo đó, nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm là những nội dung cơ bản của tư cách đạo đức cách mạng. Tư cách đạo đức ấy là cơ sở, là cốt lõi để thực hành lý luận. Người chỉ rõ: Trong Đảng ta còn có những người chưa học được, chưa làm được bốn chữ “chí công vô tư", cho nên mắc phải tính chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các chứng bệnh nguy hiểm.
 
Đọc lại “Tư cách và đạo đức cách mạng” trong “Sửa đổi lối làm việc” chúng ta càng hiểu thêm tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Chúng ta cũng càng hiểu thêm mong muốn của Bác đối với sự phấn đấu tu dưỡng của mỗi người, để có đủ đức và tài đưa chủ trương, đường lối và nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
 
3. Để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh phải “Sửa đổi lối làm việc” về phong cách và phương pháp lãnh đạo nhằm thực hành lý luận
Nói về “Cách lãnh đạo” trong “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên cách để cán bộ, đảng viên có thể tập hợp, tổ chức, lãnh đạo nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng và chính sách của Chính phủ. Đây là những bài học vô cùng quý báu để tránh được tình trạng: chủ trương, chính sách ban hành thì nhiều nhưng không thực hiện được, hoặc thực hiện không đến nơi đến chốn. 
 
Nêu vấn đề phải lãnh đạo đúng, Người viết: Lãnh đạo đúng nghĩa là: 1- Phải quyết định mọi vấn đề cho đúng…2- Phải tổ chức sự thi hành cho đúng…3- Phải tổ chức kiểm soát. Ba nội dung lãnh đạo đó quan hệ mật thiết vơi nhau và đều gắn bó, dựa vào nhân dân, thực hành sự kết hợp đánh giá từ trên xuống với từ dưới lên để đánh giá được đúng đắn, hoàn thiện hơn. Để xây dựng được cách lãnh đạo như thế, Người nêu vấn đề phải chọn người lãnh đạo: “Chọn người và thay người lãnh đạo là vấn đề quan trọng trong việc lãnh đạo…Những người mắc phải bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, không làm được việc, phải thay đi; Những người cậy mình là “công thần cách mạng” rồi đâm ra ngang tàng, không giữ kỷ luật thì cần phải mời họ xuống công tác hạ tầng, khép họ vào kỷ luật để chữa tính kiêu ngạo, thói quan liêu cho họ và để giữ kỷ luật của Đảng và Chính phủ Một hạng người thứ ba cũng không thể ở vị trí lãnh đạo, đó là hạng người nói suông. Đó là những người chỉ “biết nói và nói, nói giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác. Nhưng một việc gì thiết thực cũng không làm được”. Nếu để những người như thế ở vị trí lãnh đạo, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là sẽ chỉ làm hại uy tín của Đảng, không thể tập hợp, lãnh đạo được quần chúng nhân dân.
 
Vì vậy, học tập và làm theo tư tưởng, phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh, trước hết là phải phát hiện ra hạng người như thế và điều quan trọng là phải kiên quyết loại những người đó ra khỏi vị trí lãnh đạo, bởi vì họ quá xa lạ với phong cách và phương pháp lãnh đạo mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu trong “Sửa đổi lối làm việc”.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: muốn lý luận được thực hành thì phải có lối làm việc thiết thực, hiệu quả. Người đòi hỏi mỗi cán bộ phụ trách phải thực hiện cho được lối làm việc này. Phải khắc phục bệnh quan liêu “hữu danh vô thực”, tránh lối “làm cho qua chuyện, làm lấy rồi”, chỉ ham làm chủ tịch này, uỷ viên nọ, chứ không làm công tác thực tế. Để lãnh đạo thiết thực, Người nêu lên hai cách lãnh đạo: Một là, liên hợp chính sách chung với chỉ đạo riêng. Hai là, liên hợp người lãnh đạo với quần chúng. Như thế là một cách lãnh đạo thiết thực. Người cũng cho đó là một cách vừa lãnh đạo vừa học tập và chỉ rõ: “Bất kỳ người lãnh đạo nào, nếu không học nổi những việc thiết thực, những người thiết thực và những bộ phận thiết thực của cấp dưới, để rút kinh nghiệm, thì nhất định không biết chỉ đạo chung cho tất cả các bộ phận”.
 
Thiết thực là phong cách lãnh đạo nổi bật của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là bài học sâu sắc, là kinh nghiệm quý giá mà Người để lại trong “Sửa đổi lối làm việc” và trong thực tiễn lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Lãnh đạo thiết thực là cách tốt nhất để tập hợp, tổ chức và động viên nhân dân đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
 
Suốt đời quan tâm đến việc giáo dục lý luận chính trị và giáo dục thực hành lý luận cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta, “Đường Kách mệnh” và “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hai tác phẩm lý luận lớn, cũng là những tác phẩm vô giá về giáo dục lý luận chính trị Người để lại. Tư tưởng của Người, những lời tâm huyết của Người về vấn đề này đã, đang và mãi mãi soi sáng sự nghiệp xây dựng Đảng ta, Đảng của giai cấp công nhân và toàn thể dân tộc Việt Nam trên hành trình hướng tới tương lai./.

Nguồn tin: Thành Đoàn


 
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

Đăng nhập thành viên
 
 

Đăng nhập bằng OpenID Đăng nhập bằng OpenID

Thăm dò ý kiến

Đâu là yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi Đoàn?

Thống kê truy cập
  •   Đang truy cập 4
 
  •   Hôm nay 1,120
  •   Tháng hiện tại 52,336
  •   Tổng lượt truy cập 15,388,248